Chứng khoán Mỹ lại bị bán tháo
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 406 điểm, tương đương 1,45%, và đóng cửa ở 27.535 điểm. Đầu phiên, có lúc Dow Jones tăng hơn 200 điểm.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng giảm lần lượt 1,8% và 2%. Trước đó Nasdaq có lúc tăng 1,4%. Trong 5 phiên gần đây nhất, các chỉ số chính có 4 phiên đóng cửa trong sắc đỏ.
Cổ phiếu Apple đóng cửa sụt 3,3% sau khi có lúc tăng 2,7% trong phiên. Cổ phiếu xe điện Tesla có lúc nhảy vọt 8% nhưng kết phiên chỉ còn tăng 1,4%. Nhóm công nghệ vốn hóa lớn gồm Netflix, Microsoft, Facebook và Amazon đều đóng cửa dưới tham chiếu. Nvidia sụt 3,2%. Nhóm công nghệ của chỉ số S&P 500 giảm 2,3%.
CNBC dẫn lời ông Arian Vojdani – Chiến lược gia đầu tư tại MV Financial nhận định: "Thị trường này rất khó đoán. Các chỉ số chuyển từ xanh sang đỏ, từ đỏ sang xanh chỉ trong nháy mắt. Nhà đầu tư không nên tham gia giao dịch vào giai đoạn này".
Trong ba phiên liên tiếp 3/9, 4/9 và 8/9, thị trường chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh, nhóm cổ phiếu công nghệ của chỉ số S&P 500 sụt tổng cộng 11,4%. Chỉ số S&P 500 nói chung giảm 7%.
Vào phiên 9/9, thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trên diện rộng, chỉ số S&P 500 có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 6, Nasdaq Composite tạm thoát khỏi vùng điều chỉnh. Tuy nhiên đà bán tháo trở lại vào phiên 10/9 đã lấy đi tất cả thành quả của phiên hồi phục ngắn ngủi trước đó.
Các nhà đầu tư Phố Wall lo ngại nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ đã hình thành bong bóng khi đẩy chỉ số Nasdaq Composite liên tiếp lên các đỉnh cao mới bất chấp nền kinh tế bị đại dịch tàn phá.
Theo CNBC, tỉ phú Stanley Druckenmiller cho rằng đà giảm mấy phiên qua vẫn là chưa đủ và thị trường chứng khoán Mỹ đang bị định giá cao một cách điên rồ.
Ngày 10/9, Bộ Lao động Mỹ thông báo số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước là 884.000, cao hơn con số 850.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.