Chứng khoán Mỹ khiến nhà đầu tư F0 Trung Quốc thao thức hàng đêm
Ngày càng nhiều nhà đầu tư nghiệp dư ở Trung Quốc ra những quyết định tài chính lớn nhất đời mình giữa đêm hôm khuya khoắt.
4 giờ sáng, anh Li Bohao nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ một người bạn khuyên anh nên bán hết cổ phiếu Nio – công ty xe điện được mệnh danh "Tesla Trung Quốc". Cổ phiếu Nio đang trên đà giảm và giới phân tích dự báo nó có thể sớm mất sạch giá trị.
Anh Li nghe theo lời bạn để rồi phải bỏ lỡ cơ hội kiếm lời. Cổ phiếu Nio hiện được giao dịch với mức giá cao hơn 4 lần giá anh bán đi hồi tháng 3. Tuy nhiên, anh không hề hối tiếc. "Tôi không theo dõi giá các cổ phiếu mình đã bán đi. Tôi đã học cách không nghi ngờ", anh trao đổi với Bloomberg.
Anh Li, một doanh nhân mới 23 tuổi, là một trong số những nhà đầu tư Trung Quốc nhỏ lẻ mới làm quen với thị trường chứng khoán đang tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.
Khối lượng giao dịch chứng khoán Mỹ trên ứng dụng Futu – nền tảng giao dịch lớn nhất Trung Quốc cho cổ phiếu nước ngoài đã tăng gấp hơn ba lần trong ba tháng đầu năm, theo ước tính của Citigroup. Trong quí II, khối lượng giao dịch cổ phiếu Mỹ tiếp tục nhảy vọt lên 55,4 tỉ USD.
Chứng khoán Trung Quốc đang tăng nóng. Từ đầu năm tới nay, chỉ số Shanghai Composite đã tăng 10%, trong khi đó S&P 500 mới chỉ đi lên 4%. Nhưng nhà đầu tư Trung Quốc vẫn bị hấp dẫn bởi thị trường Mỹ do có ít hạn chế hơn, ví dụ bán khống là hoạt động hợp pháp tại Mỹ.
Một trong những điểm hấp dẫn khác của thị trường chứng khoán Mỹ là sự lí trí. Tại Trung Quốc, phần lớn giao dịch trên thị trường được thực hiện bởi nhà đầu tư nhỏ lẻ, khiến giá cổ phiếu rất dễ biến động mạnh.
Nhà phân tích Daphne Poon tại Citigroup cho biết: "Tại thị trường chứng khoán hạng A của Trung Quốc, nhiều khi nhà đầu tư chỉ mải mê chạy theo đà tăng của thị trường, hoặc bắt chước những gì người khác đang làm".
"Thị trường Mỹ và Hong Kong có tỉ trọng nhà đầu tư tổ chức lớn hơn nhiều. Do vậy, hai thị trường này được thúc đẩy nhiều hơn bởi giá trị thực sự hoặc các nguyên tắc cơ bản".
Đặc điểm này chính là điều đã thu hút David Zhou, một thanh niên Trung Quốc 20 tuổi từng du học tại Mỹ.
Zhou chia sẻ với Bloomberg từ Thượng Hải: "Tôi nghĩ thị trường Mỹ ổn định hơn thị trường Trung Quốc vì nhà đầu tư ở đó lí trí hơn. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng có lịch sử lâu dài hơn nên nhà đầu tư có thể đối chiếu tình hình hiện tại với quá khứ để so sánh".
"Cổ phiếu Trung Quốc có rất nhiều vụ đổ vỡ và định giá phi lí, khiến việc định giá trở nên cực kì khó khăn".
Dù cơ hội để sở hữu một phần Apple và Tesla là điểm cộng lớn, nhà đầu tư Trung Quốc cũng có thể đầu tư vào doanh nghiệp nước nhà họ hiểu rõ. Hiện có hơn 400 doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ.
Cổ phiếu của một số thương hiệu phổ biến nhất Trung Quốc chỉ có thể được tiếp cận thông qua thị trường Mỹ, càng khiến cho nhà đầu tư Trung Quốc có thêm động lực để mạo hiểm ở nước ngoài. Một trong số đó là Bilibili, trang web được mệnh danh là YouTube phiên bản Trung Quốc.
Trở ngại
Một trong những cản trở lớn nhất đối với nhà đầu tư Trung Quốc là gia tăng căng thẳng địa chính trị, gây ra rủi ro cổ phiếu Trung Quốc bị hủy niêm yết trên thị trường Mỹ.
Hồi tháng 5, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật có thể buộc phần lớn công ty Trung Quốc phải rời thị trường chứng khoán Mỹ.
Ông Kelvin Chu, nhà phân tích tại hãng bảo hiểm UBS Group AG cho biết: "Trong quá khứ, rất nhiều công ty chất lượng cao mà nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc yêu thích niêm yết tại Mỹ. Nhưng điều này có thể thay đổi trong trung hạn".
Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lựa chọn niêm yết thêm tại Hong Kong, ông Chu cho rằng dòng tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể cũng sẽ chuyển hướng sang thành phố này.
Tuy nhiên, ông Chu nghĩ rằng các nhà đầu tư Trung Quốc nội địa vẫn sẽ đổ tiền ra thị trường nước ngoài, có thể là Mỹ hay quốc gia khác.