Chứng khoán Mỹ giảm sốc khi Facebook rơi tự do sau tin dữ, loạt đại gia công nghệ bị bán tháo
Đà bán tháo gia tăng vào buổi chiều. Kết phiên, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 3,74%, ghi nhận phiên giảm sâu nhất kể từ tháng 9/2020 trở lại đây. S&P 500 cũng vừa có phiên tiêu cực nhất trong gần một năm khi giảm 2,44%.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 518 điểm, tương đương 1,4%, và kết phiên ở 35.111 điểm. Dow Jones giảm ít nhất trong ba chỉ số lớn do có ít thành viên thuộc nhóm công nghệ.
Cổ phiếu Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) cắm đầu giảm 26% ngay khi thị trường vừa mở cửa. Theo Bloomberg, khoảng 252 tỷ USD vốn hóa của Meta đã bị thổi bay trong ngày 3/2, đây là kỷ lục buồn chưa từng thấy trong lịch sử toàn bộ thị trường chứng khoán thế giới chứ không chỉ lịch sử của riêng Meta.
Cuối ngày trước đó (2/2), Meta công bố kết quả kinh doanh quý IV cho thấy lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) chỉ đạt 3,67 USD, thấp hơn mức 3,84 USD mà Refinitiv dự báo.
Số người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) và hoạt động hàng tháng (MAU) đều dưới ngưỡng kỳ vọng. Bên cạnh đó, công ty ước tính doanh thu quý I/2022 sẽ chỉ trong khoảng 27-29 tỷ USD, trong khi giới phân tích kỳ vọng hơn 30 tỷ USD.
CNBC dẫn lời ông JJ Kinahan, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán TD Ameritrade nhận định: "Facebook được nắm giữ cực kỳ rộng rãi và là một phần cốt yếu của rất nhiều danh mục, vì vậy nên khi Facebook gặp khó, lòng tin của cả thị trường sẽ lung lay. Câu hỏi lúc này là liệu đây chỉ là vấn đề của riêng Meta hay là của toàn ngành?"
Các cổ phiếu mạng xã hội khác cũng đi xuống theo Meta. Snap lao dốc 23,6%, Twitter mất 5,5%.
Diễn biến tiêu cực hôm 3/2 chấm dứt chuỗi 4 phiên đi lên liên tiếp khi nhà đầu tư lao vào bắt đáy cổ phiếu công nghệ.
Ngày 2/2, cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ của Google) bật tăng 7,3% sau khi công bố doanh thu và lợi nhuận vượt xa dự báo của giới chuyên gia. Alphabet cũng thông báo sẽ chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 20:1 vào tháng 7 tới. Microsoft và Apple đều đã thông báo kết quả kinh doanh tươi sáng.
Phiên 3/2, Alphabet cũng đóng cửa trong sắc đỏ 3,3%, Apple và Microsoft mất lần lượt 1,7% và 3,9%. Nhìn chung, công nghệ là ngành tác động tiêu cực nhất tới thị trường ngày 3/2.
Ông JJ Kinahan nhận xét: "Vấn đề của thị trường lúc này là chỉ có lợi nhuận tốt thôi vẫn là chưa đủ tốt. Doanh nghiệp phải đưa ra được một kế hoạch tích cực trong lương lai với đầy sự lạc quan".
Việc thị trường đòi hỏi nhiều hơn từ các doanh nghiệp có một phần nguyên nhân đến từ kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Kinahan nói.
Tuần này, kết quả kinh doanh của nhóm công nghệ khiến nhà đầu tư bớt chú ý tới động thái của ngân hàng trung ương trong thời gian tới, nhưng nguy cơ thắt chặt tiền tệ vẫn đang tác động mạnh tới thị trường.
Spotify lao dốc 16,7% sau khi công bố số liệu quý IV cho thấy tốc độ tăng trưởng người dùng cao cấp đã chậm lại. Pinterest và Amazon sẽ công bố báo cáo tài chính sau khi thị trường đóng cửa, giá cổ phiếu trong phiên giảm lần lượt 10,3% và 7,8%.
Trong một diễn biến khác, giá dầu thô WTI tại Mỹ vượt ngưỡng 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ 2014, làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ lạm phát.
Về số liệu vĩ mô, Bộ Lao động Mỹ sáng 3/2 cho biết số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước (29/1) là 238.000, hơi thấp hơn so với dự báo. Trước đó vào hôm 2/2, công ty nghiên cứu ADP cho biết số việc làm tư nhân trong nền kinh tế Mỹ giảm 301.000 trong tháng 1.
Ngày 4/2, Bộ Lao động Mỹ sẽ chính thức công bố báo cáo việc làm tháng 1. Một nhà phân tích Phố Wall cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể mất tới 400.000 việc làm trong tháng qua do biến chủng Omicron lan rộng.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên trước khi số liệu ngày 4/2 được thông báo, khiến cho cổ phiếu công nghệ càng diễn biến tiêu cực.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vừa thông báo nâng lãi suất thêm 0,25 điểm %. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất cơ bản bất chấp việc lạm phát ở khu vực euro zone tăng lên đỉnh mới.