|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau năm phục hồi thần tốc, cỗ máy kinh tế Mỹ sắp đứng khựng lại?

06:38 | 03/02/2022
Chia sẻ
Nền kinh tế Mỹ năm 2021 vừa tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ 1984 nhờ doanh nghiệp mạnh tay bổ sung hàng tồn kho và người tiêu dùng liên tục được chính phủ hỗ trợ tài khóa. Triển vọng năm 2022 nhiều khả năng sẽ u ám hơn nhiều.
Sau năm phục hồi thần tốc, cỗ xe kinh tế Mỹ sắp đứng khựng lại - Ảnh 1.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng trưởng với tốc độ ấn tượng 6,9% trong quý IV vừa qua. Tính chung cả năm 2021, GDP đi lên 5,7%, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984 và cải thiện đáng kể so với mức suy giảm 3,4% trong năm COVID đầu tiên.

Theo CNBC, con đường phía trước sẽ khá nhiều chông gai.

Những ngày đầu năm 2022 không có mấy tín hiệu lạc quan khi chủng Omicron lan rộng khiến hoạt động kinh tế một lần nữa bị đình trệ. 

Bên cạnh đó, các gói kích thích tài khóa dần kết thúc đồng nghĩa với việc người tiêu dùng không còn được hỗ trợ nhiều như trước. 

Thời gian gần đây, các chuyên gia Phố Wall liên tục hạ dự báo tăng trưởng GDP Mỹ năm 2022.

Doanh nghiệp giảm lao động

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu ADP, các doanh nghiệp Mỹ cắt giảm 301.000 việc làm trong tháng 1, tiêu cực hơn so với dự báo của các nhà kinh tế Dow Jones là tăng trưởng 200.000 việc làm và trái ngược so với con số 776.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 12.

Sau năm phục hồi thần tốc, cỗ máy kinh tế Mỹ sắp đứng khựng lại - Ảnh 3.

Đây cũng là lần đầu tiên ADP công bố việc làm giảm sút kể từ tháng 12/2020. Ngành giải trí và khách sạn - vốn nhạy cảm với tình hình dịch bệnh - chịu thiệt hại nặng nề nhất khi mất 154.000 việc làm. Lĩnh vực thương mại, giao thông và tiện ích cũng cắt 62.000 việc làm, lĩnh vực sản xuất giảm 21.000 việc.

Bà Nela Richardson, Kinh tế trưởng của ADP nhận định: "Sự hồi phục của thị trường lao động Mỹ vừa có một bước lùi trong tháng đầu năm 2022 do ảnh hưởng của biến thể Omicron và tác động mạnh mẽ, dù có thể chỉ là tạm thời, của dịch bệnh tới tăng trưởng việc làm".

Sau năm phục hồi thần tốc, cỗ xe kinh tế Mỹ sắp đứng khựng lại - Ảnh 3.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn lạm phát vọt lên mức cao nhất kể từ 1982, đòi hỏi Fed phải nâng lãi suất. Số liệu chính thức tháng 1/2022 chưa được công bố.

Hai ngày sau báo cáo của ADP, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố số liệu khảo sát chính thức về thị trường lao động tháng 1. Các nhà phân tích của Phố Wall kỳ vọng nền kinh tế sẽ tạo ra thêm 155.000 việc làm.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và quan chức Nhà Trắng cảnh báo số liệu thực tế có khả năng sẽ tiêu cực hơn do ảnh hưởng của Omicron và vì phương pháp thống kê của Bộ Lao động Mỹ.

Fed thắt chặt tiền tệ

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã lên kế hoạch dần chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng nhất trong lịch sử và chuyển sang thắt chặt cung tiền để chống lạm phát cao nhất gần 4 thập kỷ. 

Nhiều chuyên gia Phố Wall dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 5 lần, thậm chí là 7 lần trong năm 2022. Lãi suất quỹ liên bang cuối năm nay có thể leo lên khoảng 1,75 - 2%. Bức tranh kinh tế vì vậy sẽ có nhiều thay đổi.

Công cụ dự báo GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta hiện cho thấy nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng chỉ tăng trưởng khoảng 0,1% trong quý I.

Sau năm phục hồi thần tốc, cỗ xe kinh tế Mỹ sắp đứng khựng lại - Ảnh 4.

Ông Joseph LaVorgna, Kinh tế trưởng khu vực châu Mỹ tại ngân hàng đầu tư Natixis và cựu Kinh tế trưởng tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Donald Trump nhận định: "Cô xe kinh tế Mỹ đang giảm tốc và về số. Đây chưa phải là suy thoái, nhưng có thể biến thành suy thoái nếu Fed chống lạm phát một cách quá mạnh tay".

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,9% trong quý IV, nhưng trong đó có tới 4,9 điểm % (tức 71% tốc độ tăng trưởng) là do các doanh nghiệp xây dựng lại lượng hàng tồn kho. Trong quý III, GDP của Mỹ tăng 2,3% gần như tất cả là nhờ hàng tồn kho.

Tuy nhiên, khảo sát của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) mới đây cho thấy số đơn đặt hàng mới trong tháng 1 vẫn tăng nhưng tốc độ đã chậm hơn hẳn so với trước, tức là các doanh nghiệp ít bổ sung hàng tồn kho hơn.

Ông Mark Zandi, Kinh tế trưởng tại công ty phân tích Moody's Analytics nhận xét: "Lượng hàng tồn kho hiện nay đã quay lại mức gần tương đương so với trước. Thêm vào đó, chính sách tiền tệ và tài khóa cũng không còn thuận lợi như trước. Vì vậy, tăng trưởng đầu năm nay sẽ khá thấp".

Phố Wall vội hạ dự báo

Các nhà kinh tế trên Phố Wall gần đây đã liên tục hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2022. Goldman Sachs trước đây cho rằng nền kinh tế sẽ mở rộng 2% trong quý I nhưng hiện cho rằng con số sẽ chỉ là 0,5%. Dự báo tăng trưởng của năm cũng giảm xuống 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8%.

"Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ đột ngột chậm lại trong năm 2022 khi các gói kích thích tài khóa kết thúc và virus lan rộng trong ngắn hạn gây tổn hại tới chi tiêu cho dịch vụ và làm chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn", nhà kinh tế Ronnie Walker của Goldman Sachs viết, đồng thời cho rằng hoạt động kinh tế trong quý I sẽ đặc biệt yếu.

Sau năm phục hồi thần tốc, cỗ xe kinh tế Mỹ sắp đứng khựng lại - Ảnh 5.

Người dân Mỹ xếp hạng nhận thức ăn được phát miễn phí tại thành phố New York, ngày 8/12/2021. (Ảnh: Getty Images).

Tương tự, Bank of America hạ dự báo tăng trưởng quý I từ 4% xuống còn 1% và cả năm từ 4% còn 3,6%. Ông Ethan Harris, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Bank of America đưa ra 4 lý do để giải thích cho việc hạ triển vọng nền kinh tế Mỹ: Omicron lây lan, nhu cầu bổ sung hàng tồn kho giảm, hỗ trợ tài khóa cạn dần, và Fed thắt chặt tiền tệ".

Ông Harris thậm chí còn dự đoán GDP nhiều khả năng sẽ suy giảm trong quý I và Fed sẽ nâng lãi suất 7 lần trong năm nay, mỗi lần 0,25 điểm %. Đa phần Phố Wall hiện cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất 5 lần trong năm 2022, xác suất tăng lần thứ 6 là khoảng 31%.

Kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics cho rằng Fed sẽ phải thận trọng để không đi quá xa trong cuộc chiến chống lạm phát. 

Đức Quyền - Song Ngọc

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.