Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 6 liên tục khi lợi suất lên cao, Dow Jones và S&P 500 lún sâu hơn vào thị trường gấu
Trong phiên 27/9, chỉ số S&P 500 có lúc rơi xuống 3.623 điểm, thấp hơn mức đáy 3.636 điểm thiết lập vào ngày 16/6. Đóng cửa, chỉ số gồm 500 cổ phiếu lớn này giảm 0,21% so với cuối phiên trước, xuống còn 3.647 điểm.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc vọt lên gần 400 điểm nhưng kết phiên mất 126 điểm, tương đương 0,43%, và dừng ở 29.135 điểm. Ngược lại, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,25% lên 10.829,5 điểm.
Theo CNBC, S&P 500 và Dow Jones đang thấp hơn đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 1 năm nay lần lượt 24,3% và 21,2%. Nasdaq kém kỷ lục của tháng 11 năm ngoái hơn 33%.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm vượt mốc 3,9% và tiến sát mốc 4%, cao nhất kể từ năm 2010.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm được dùng làm tham chiếu chuẩn để xác định lãi suất vay thế chấp mua nhà cũng như các khoản vay tiêu dùng và kinh doanh khác.
Những ngày gần đây, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng như trái phiếu Chính phủ Anh đều lên cao khi ngân hàng trung ương của cả hai nước cùng nâng lãi suất để chống lạm phát.
CNBC dẫn lời ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley Financial, nhận xét: “Chúng ta mất cả hai mốc hỗ trợ 3.900 và 3.800 điểm với chỉ số S&P 500, sau đó lao thẳng về mức đáy thiết lập hồi tháng 6. Diễn biến này cho thấy tâm lý cắt giảm rủi ro vẫn không thay đổi nhiều trong 6 tuần vừa qua”.
“Thị trường vẫn lo ngại rằng Fed sẽ hành động quá tay và đẩy nền kinh tế vào suy thoái”, ông Hogan nói thêm.
Thị trường chứng khoán đầu phiên 27/9 tràn ngập sắc xanh sau khi ông Charles Evans, Chủ tịch Chi nhánh Chigaco của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tỏ ra quan ngại về việc ngân hàng trung ương này đang nâng lãi suất quá nhanh trong cuộc chiến với lạm phát.
Trước đó, hàng loạt quan chức Fed tuyên bố sẽ không ngần ngại ủng hộ thắt chặt tiền tệ mạnh tay để kiềm chế đà tăng của giá cả.
Dow Jones và S&P 500 đã có 6 phiên đi xuống liên tiếp và đang trong vùng thị trường gấu. Dow Jones mất tổng cộng 1.885 điểm trong 6 phiên vừa qua, còn S&P 500 đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2020.
Cổ phiếu năng lượng là điểm sáng trong phiên vừa qua sau khi sa sút mạnh những ngày trước. Giá hợp đồng tương lai dầu thô Brent giao tháng 12 hồi phục lên ngưỡng 85 USD/thùng. Biểu đồ bên dưới cho thấy cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu và tiện ích công cộng là những nhóm lao dốc mạnh nhất ngày 27/9.
Ông Willie Delwiche, chiến lược gia đầu tư tại All Star Charts, cho biết nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn thay thế cho cổ phiếu, tức là hầu hết mọi người đều đang bị “kẹp” trong đợt lao dốc của thị trường chứng khoán. Nguồn lực từ bên ngoài vào giải cứu là không nhiều nên giá cổ phiếu khó có thể hồi phục mạnh.
“Nhiều người đang cố ôm cổ phiếu dù cảm thấy đau đớn”, ông Delwiche nói. Nhà đầu tư có thể đổ tiền vào các kênh như trái phiếu, vàng và tiền mặt. Tuy nhiên, các phương án thay thế này cũng đang chịu thiệt hại khi lợi suất lên cao, giá kim loại quý cũng giảm.
“Không có bến đỗ an toàn nào cho nhà đầu tư trú ẩn”, ông Delwiche nói. “Nhà đầu tư mắc kẹt với cổ phiếu dù không thích thú chút nào và họ đang phải trả giá cho quyết định của mình”.
Ông Brian G. Belski, Giám đốc Chiến lược đầu tư tại BMO Capital Markets, cho rằng thị trường hiện nay xuất hiện nhiều cơ hội mua cổ phiếu dù biến động vẫn còn lớn.
“Chúng tôi tin rằng tuy thị trường còn nhiều bất trắc nhưng cũng có nhiều cổ phiếu giá trị đang ẩn mình đợi nhà đầu tư chọn lựa”, ông Belski nói. Nghiên cứu của BMO cho thấy 66% số cổ phiếu thuộc S&P 500 đang giao dịch dưới ngưỡng P/E dự phóng bình quân lịch sử, nhiều hơn đáng kể so với mức 40% cuối năm 2021.