|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới ngân hàng Phố Wall ‘lên dây cót’ với các kịch bản xấu về vấn đề Đài Loan

13:59 | 27/09/2022
Chia sẻ
Các ngân hàng phương Tây đang đánh giá lại rủi ro của việc làm ăn tại Trung Quốc sau khi căng thẳng Mỹ-Trung xoay quanh vấn đề Đài Loan một lần nữa leo thang. Các đại gia Mỹ bị giới lập pháp đặt câu hỏi về hoạt động tại Trung Quốc trong trường hợp xung đột quân sự nổ ra tại Đài Loan.

 

Hai người lính hạ cờ Đài Loan tại một buổi lễ. (Ảnh: Bloomberg). 

57 tỷ USD

Nguồn tin của Bloomberg cho biết trong vài tháng qua, các nhà băng lớn bao gồm Societe General, JPMorgan và UBS đã yêu cầu nhân viên xem xét kế hoạch dự phòng để kiểm soát rủi ro.

Cùng lúc, các hãng bảo hiểm toàn cầu không còn muốn cung cấp hợp đồng mới cho những công ty đầu tư vào Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Phí bảo hiểm rủi ro chính trị đã tăng hơn 60% kể từ khi Nga tấn công Ukraine.

Ông Mark Williams, Giáo sư tại Đại học Boston cho biết: “Rủi ro chính trị xoay quanh các lệnh trừng phạt của Mỹ và nguy cơ Trung Quốc đáp trả bằng việc hạn chế dòng vốn khiến các nhà quản lý rủi ro liên tục bận rộn. Một cuộc chiến trừng phạt sẽ khiến chi phí kinh doanh tăng đáng kể và buộc các ngân hàng Mỹ nghĩ lại về thị trường Trung Quốc”.

Các màn đối đáp gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington về vấn đề Đài Loan đã khiến các công ty tài chính thấy bất an, đặc biệt là sau khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bất ngờ buộc những ngân hàng lớn nhất thế giới phải ngừng hoạt động tại nước này.

Tuần trước, các nhà lập pháp Mỹ đã gây áp lực lớn nhằm buộc các ngân hàng trả lời câu hỏi liệu họ có rút khỏi nền kinh tế thứ hai thế giới nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan hay không.

Các sếp lớn tại một số công ty tài chính giấu tên nói rằng họ đánh giá nguy cơ xung đột quân sự ở Bắc Á là khá thấp. Tuy nhiên rủi ro các đòn trừng phạt ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến dòng chảy tài chính và thương mại bị gián đoạn hiện nay lại cao hơn bao giờ hết.

Các đại gia Phố Wall đã rót hàng tỷ USD vào Trung Quốc sau khi nước này mở cửa ngành tài chính trong những năm gần đây. Do đó, bất kỳ động thái rút lui nào của giới ngân hàng cũng sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng.

Những tên tuổi như Goldman Sachs hay Morgan Stanley đã giành quyền kiểm soát liên doanh và xin được cấp thêm giấy phép ngân hàng, chiêu mộ nhân viên cho đến khi phải cắt giảm vì thiếu vắng các thương vụ. Tính đến cuối năm 2021, tổng giá trị tài sản chịu rủi ro ở Trung Quốc của các ngân hàng Phố Wall lên tới khoảng 57 tỷ USD. 

Những tham vọng trên đang bị đe dọa bởi sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuần trước, CEO Jane Fraser của Citigroup phải chịu sức ép dữ dội của các nhà lập pháp về việc liệu ngân hàng này có rút khỏi Trung Quốc nếu xung đột quân sự tại Đài Loan nổ ra hay không.

Bà Fraser trả lời tương tự như những đồng nghiệp khác – rằng bà sẽ xin hướng dẫn của chính phủ Mỹ trước khi hành động. Bà nói thêm: “Đây là câu hỏi giả định, và rất ít khả năng xảy ra, nhưng rất có thể chúng tôi sẽ giảm mạnh sự hiện diện tại Trung Quốc”. 

Quan tâm hàng đầu

Trong vài tháng qua, các ngân hàng đã tiến hành kiểm tra sức chịu đựng (stress test) xem liệu họ có thể ứng phó khi thị trường đột ngột sụp đổ hay không. Tuy ngân hàng thường vạch ra kịch bản dự phòng mà không bao giờ sử dụng chúng, căng thẳng leo thang đã làm tăng thêm tính gấp gáp của hoạt động này.

Theo nguồn tin của Bloomberg, ngân hàng Societe General của Pháp đang thống kê số lượng nhân viên tại thị trường Trung Quốc (bao gồm cả khu vực Hong Kong) dưới sự chỉ đạo của các giám đốc đầy lo lắng ở Paris.

UBS thì yêu cầu bộ phận giao dịch ở Đài Loan đánh giá kế hoạch phòng bị và tìm cách giảm thiểu giá trị chịu rủi ro tại hòn đảo. Một trong những cách được nêu ra là giảm dịch vụ ngoại hối cung cấp cho khách hàng Đài Loan. 

Hai giám đốc khác trong ngành ngân hàng cho biết mối quan tâm hàng đầu là đảm bảo sự an toàn của nhân viên, xác định các khách hàng có thể bị trừng phạt, vạch ra kế hoạch để giảm thiểu rủi ro từ phía đối tác và các khoản lỗ tiềm ẩn.

Một người cho biết ngân hàng của họ đã từng cân nhắc việc thanh lý vị thế trên Sàn Giao dịch Phái sinh Tài chính (CFFEX) để cắt giảm rủi ro từ phía đối tác Trung Quốc và xây dựng lại các hợp đồng đó tại những thị trường phái sinh khác như Singapore.

Bài học từ Nga

Trong một số trường hợp, các ngân hàng còn lo lắng về kịch bản Bắc Kinh cấm các ngân hàng ngoại chuyển tài sản hay vốn ra nước ngoài để trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ - giống như cách Nga đã làm.

Các ngân hàng châu Âu như Societe Generale và UniCredit cảnh báo tổng thiệt hại gần 10 tỷ USD vì Nga, chủ yếu là do việc ghi giảm giá trị các hoạt động và để dành tiền đề phòng tác động kinh tế. 

 

Ông Dale Buckner, CEO công ty dịch vụ an ninh Global Guardian cho biết: “Nga đã trở thành hình mẫu của những điều bạn không muốn xảy ra. Mọi người đang vạch ra đủ mọi kịch bản: Điều gì sẽ xảy ra nếu như có một cuộc phong tỏa, hệ thống mạng bị đánh sập, tấn công đường biển hay một cuộc chiến thực sự?” 

Ông Buckner cho biết phần đầu tiên của bài toán là đánh giá tài sản hữu hình và tài sản trí tuệ trong khu vực, hiểu rõ tiền của công ty đang đặt ở đâu và ai là người kiểm soát nếu Trung Quốc quyết định tiếp quản hệ thống ngân hàng và từ chối quyền truy cập của các ngân hàng ngoại.

Trong khi đó, ông Tom Kirchmaier, Giáo sư tại Trường Kinh tế London, cho rằng: “Lập kế hoạch cho những điều này là việc bất khả thi. Dù các ngân hàng đã vẽ ra một số phương án cho những kịch bản này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng chắc chắn rằng sẽ có sự khác biệt lớn giữa lý thuyết và thực hành". 

Giang