Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau phát biểu của Chủ tịch Fed trước Quốc hội
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 47 điểm, tương đương 0,15%, và đóng cửa ở 30.483 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này tăng gần 250 điểm và cũng có lúc sụt tới 364 điểm.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng giảm 0,15% và dừng ở 11.053 điểm. S&P 500 mất 0,13%, kết phiên ở gần 3.760 điểm.
Theo CNBC, những lo lắng về một cuộc suy thoái đang đến gần đã gây áp lực lên cổ phiếu trong thời gian gần đây. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 22/6 đã phát biểu trước các nghị sĩ quốc hội rằng Fed có sự “quyết tâm” cần thiết để chế ngự lạm phát đang trên đỉnh 40 năm.
“Ở Fed, chúng tôi hiểu những khó nhọc mà lạm phát đang gây ra”, ông Powell nói trước Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở, và các vấn đề Đô thị của Thượng viện Mỹ. “Chúng tôi cam kết mạnh mẽ trong việc giảm lạm phát, và chúng tôi đang hành động nhanh chóng để thực hiện nhiệm vụ này”.
Chủ tịch Powell nói thêm rằng Fed sẽ duy trì chính sách cho đến khi nhận thấy “bằng chứng thuyết phục rằng lạm phát đang đi xuống”. Ông cũng thừa nhận rằng mục tiêu đưa nền kinh tế hạ cánh mềm, tức là kiềm chế được lạm phát nhưng không gây suy thoái, đã trở nên “thách thức hơn rất nhiều”.
Ngày 23/6, Chủ tịch Fed sẽ ra điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ.
Giữa tuần trước, các quan chức Fed nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản và dự kiến sẽ đưa ra quyết định tương tự trong tháng 7. Vào tháng 3 và 5, Fed đều đã nâng lãi suất.
Nhà đầu tư lo ngại việc Fed thắt chặt tiền tệ quá nhanh sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
CNBC dẫn lời ông Robert Schein, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý quỹ Blanke Schein Wealth Management, nhận định: “Lạm phát vẫn là rủi ro lớn nhất đối với các tài sản tài chính, và ông Jerome Powell đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng: Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho đến khi lạm phát bắt đầu hạ nhiệt. Trước lúc đó, các tài sản rủi ro sẽ khó có thể tăng mạnh”.
Ông Schein nói thêm: “Điều kiện tài chính bị thắt chặt sẽ tiếp tục là một lực cản đối với các thị trường tài chính cho tới khi Fed bật đèn xanh”.
Nỗi lo suy thoái
Phố Wall ngày càng sợ một cuộc suy thoái kinh tế đang đến gần. Ngân hàng Citigroup đã nâng dự báo xác suất xảy ra suy thoái toàn cầu lên 50% vì các dữ liệu cho thấy người tiêu dùng đang bắt đầu cắt giảm chi tiêu.
“Lịch sử cho thấy quá trình giảm lạm phát thường gây thiệt hại đáng kể tới tốc độ tăng trưởng, và chúng tôi nhận thấy xác suất chung của một đợt suy thoái đang đến gần mức 50%”, báo cáo phân tích của Citigroup nhận định.
Goldman Sachs cho rằng nền kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái ngày càng cao: “Những lý do chủ yếu là kịch bản tăng trưởng cơ sở của chúng tôi hiện nay đã thấp hơn trước và chúng tôi ngày càng quan ngại việc Fed sẽ phải hành động mạnh tay để chế ngự lạm phát cũng như kỳ vọng lạm phát cao của người tiêu dùng nếu như giá năng lượng tiếp tục đi lên, kể cả khi nền kinh tế chậm lại rõ rệt".
UBS cho rằng kịch bản cơ sở của ngân hàng này là nền kinh tế Mỹ cũng như thế giới sẽ không suy thoái trong năm 2022 hoặc 2023 nhưng “rõ ràng là rủi ro của một cuộc hạ cánh cứng đang tăng dần lên”.
Giá dầu thô tụt dốc xuống dưới 110 USD/thùng giữa lo ngại suy thoái kinh tế sẽ làm nhu cầu năng lượng sa sút, giá cổ phiếu dầu khí cũng đi xuống. Năng lượng là nhóm giảm mạnh nhất chỉ số S&P 500 trong phiên 22/6.
Ngày 22/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Quốc hội Mỹ tạm dừng thu thuế liên bang đối với xăng trong vòng ba tháng nhằm hạ nhiệt giá xăng đang ở mức cao kỷ lục. Chính sách này cũng có thể giúp cho Đảng Dân chủ của ông Biden lấy lòng cử tri trong năm bầu cử giữa kỳ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc tạm dừng thu thuế hoặc giảm thuế sẽ chỉ khiến cho chính phủ thất thu chứ không giải quyết được tình trạng giá nhiên liệu quá cao. Thay vào đó, Mỹ cần phải tìm cách nâng cao năng lực của phía nguồn cung.