Các chuyên gia hàng đầu Phố Wall cảnh báo chứng khoán Mỹ sẽ còn rơi tiếp, có thể mất thêm 20-30%
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa có cuộc phục hồi mạnh mẽ vào ngày 21/6. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu tại Societe Generale SA (SocGen) và Goldman Sachs cảnh báo thị trường vẫn sẽ còn những ngày rực lửa vì giá chứng khoán chưa phản ánh đầy đủ rủi ro của suy thoái.
S&P 500 và chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq 100 đều tăng hơn 2,6% trong ngày 21/6, sau khi thị trường rơi vào hỗn loạn hồi tuần trước và đẩy S&P 500 vào thị trường gấu. Cuộc bán tháo đã thu hút những nhà đầu tư săn đón món hời.
Tuy nhiên, ông Manish Kabra, chuyên gia cấp cao về chứng khoán Mỹ của SocGen cảnh báo rằng một cuộc suy thoái “điển hình” sẽ đẩy S&P 500 xuống 3.200 điểm, thấp hơn 13% so với mức đóng cửa cuối tuần trước.
Và cú sốc lạm phát kiểu thập niên 1970 có thể khiến S&P 500 lao dốc khoảng 30% từ mức hiện nay trong bối cảnh tăng trưởng đình trệ và lạm phát leo thang, ông Kabra viết trong lưu ý.
Điểm mấu chốt rút ra được từ những năm 1970 là khi nhà đầu tư bắt đầu tin rằng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục phình to trong thời gian dài, thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu tập trung vào lợi nhuận thực thay vì EPS danh nghĩa. Và SocGen dự kiến EPS thực năm 2022 sẽ âm.
Ông Kabra kết luận: “Chúng ta vẫn chưa thấy đáy thực sự của thị trường chứng khoán Mỹ”.
Đồng nghiệp của ông Kabra tại Morgan Stanley là Michael J. Wilson, một trong những chuyên gia bi quan nhất Phố Wall và là người đã dự đoán đúng cuộc bán tháo hiện tại. Ông Wilson có cùng nhận định rằng chỉ số S&P 500 sẽ còn giảm thêm 15-20% nữa, xuống khoảng 3.000 điểm. Khi đó, thị trường mới có thể được coi là phản ánh hoàn toàn mức độ của sự suy giảm kinh tế.
Nhóm chuyên gia của Morgan Stanley viết: “Thị trường gấu sẽ không kết thúc chừng nào suy thoái xảy ra hoặc rủi ro về suy thoái bị dập tắt”.
Những dự báo trên phản ánh sự xuống dốc trong tâm lý của nhà đầu tư tới các tài sản rủi ro trong những tuần gần đây. Lạm phát phi mã và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt thắt chặt chính sách đã khiến giới đầu tư lo sợ rằng nền kinh tế sẽ suy yếu trong dài hạn.
Ông Wilson cho biết nếu một cuộc suy thoái toàn diện trở thành kịch bản cơ sở của thị trường thì chỉ số S&P 500 có thể tạo đáy ở mức gần 2.900 điểm, tức thấp hơn 23% so với hiện nay.
Tại Goldman Sachs, nhóm chuyên gia được dẫn dắt bởi ông Peter Oppenheimer nói rằng chứng khoán Mỹ mới chỉ phản ánh một cuộc suy thoái nhẹ. Do đó, “thị trường sẽ bị tổn thương nếu kỳ vọng trở nên xấu đi”.
Các chuyên gia Goldman Sachs coi thị trường gấu hiện nay mang tính chất chu kỳ, bảng cân đối kế toán mạnh mẽ của doanh nghiệp và lãi suất thực âm sẽ giúp chống đỡ các rủi ro hệ thống liên quan tới thị trường gấu.
Hôm 21/6, các chuyên gia của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Berenberg cũng nói rằng giờ vẫn còn quá sớm để dò đoán đáy của thị trường trong bối cảnh dự báo lợi nhuận mới bắt đầu bị hạ xuống giữa nguy cơ suy thoái.