|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ranh giới giữa nền kinh tế thực và thị trường chứng khoán đang bị xóa nhòa

14:43 | 10/05/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán có thể không phải nền kinh tế theo nghĩa đen, nhưng ranh giới giữa hai bên ngày càng khó có thể được vạch rõ.

Người đi bộ đi trước Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: AFP).

Tại Mỹ, lượng cổ phiếu do các hộ gia đình nắm giữ đã tăng lên mức cao mới; và vận mệnh của các doanh nghiệp ngày nay - đặc biệt là trong ngành công nghệ - đang gắn liền với giá cổ phiếu. Hai điều này cho thấy số phận của Phố Wall và Phố Main đang gắn chặt với nhau hơn bao giờ hết.

Vậy nên, việc thị trường chứng khoán chìm trong hỗn loạn không phải dấu hiệu tích cực cho triển vọng tăng trưởng chung.

Chia sẻ với CNBC, ông Joseph LaVorgna, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại ngân hàng đầu tư Natixis: “Trong 20 năm qua, nền kinh tế tài chính đã tăng trưởng đáng kể. Vài thập kỷ trước, bạn có thể khẳng định rất chuẩn xác rằng thị trường chứng khoán không phải nền kinh tế thực. Nhưng ngày nay nhận định đó không còn phù hợp”.

Có lẽ không ai khẳng định thị trường chứng khoán là toàn bộ nền kinh tế, nhưng rất khó để bác bỏ quan điểm "thị trường đã trở thành phần lớn hơn trong cuộc sống thường nhật".

Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tính đến cuối năm 2021, tỷ trọng tài sản của các hộ gia đình đến từ việc nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp chứng khoán đã lên đến mức kỷ lục 41,9%.

Tỷ trọng 30 năm trước còn không bằng một nửa con số của năm ngoái. Theo CNBC, có một loạt yếu tố đã biến chứng khoán Mỹ thành địa điểm hấp dẫn để cất tiền và kiếm lời cho người dân, từ sự ra đời của giao dịch trực tuyến cho đến chính sách tiền tệ thân thiện với thị trường.

 

Song, xu hướng trên cũng khiến nền kinh tế càng dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc trên Phố Wall.

Ông LaVorgna chỉ ra: “Khi giá tài sản tài chính sụt giảm đến một ngưỡng nhất định, chắc chắn tăng trưởng sẽ bị tổn thương. Trên thực tế, khi giá tài sản giảm thì mối quan hệ giữa hai bên còn chặt chẽ hơn là khi giá tăng”.

Cơ chế vận hành

Cơ chế dẫn truyền giữa thị trường và tăng trưởng kinh tế tuy đa chiều nhưng khá đơn giản.

Từ lâu, chứng khoán và niềm tin người tiêu dùng đã có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nên khi chứng khoán lao dốc thì mọi người có xu hướng hạn chế chi tiêu. Sự suy giảm của chi tiêu kìm hãm tăng trưởng doanh số và khiến giá cổ phiếu kém hấp dẫn hơn khi so sánh với lợi nhuận tương lai. Điều này lại khiến thị trường phản ứng theo cách khiến của cải của người tiêu dùng giảm sút.

Một điểm quan trọng khác: Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc Thung lũng Silicon chuyên về đổi mới sáng tạo, thường xuyên cần huy động vốn và trông chờ vào giá cổ phiếu tăng để có vốn.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics giải thích: “Ngoài tác động lên tài sản của người tiêu dùng, thị trường cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Đặc biệt, các công ty tăng trưởng cao, như trong lĩnh vực công nghệ vốn thường phụ thuộc vào huy động vốn qua thị trường chứng khoán, lại càng bị ảnh hưởng”.

Ông nói thêm: “Nếu giá chứng khoán đi xuống thì việc huy động vốn càng khó khăn gấp bội. Chi phí vốn cũng sẽ tăng cao hơn hẳn, do đó doanh nghiệp không thể mở rộng mạnh mẽ như trước. Đây là một trong những yếu tố xác định ranh giới giữa diễn biến trên thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế”. 

Nếu tăng trưởng doanh thu suy yếu nghiêm trọng, doanh nghiệp sẽ phải tìm cách cắt giảm chi phí để tạo ra con số lợi nhuận đẹp đẽ. Khoản mục đầu tiên mà họ chú ý đến sẽ là tiền lương.   

Ông Quincy Krosby, Giám đốc đầu tư tại LPL Financial cho biết: “Doanh nghiệp quản lý giá cổ phiếu của họ, và muốn đảm bảo thực tế càng đúng với những dự báo trước đó càng tốt. Nếu cần, doanh nghiệp sẽ hạ chi phí xuống. Đối với hầu hết doanh nghiệp, chi phí vốn lớn nhất là lao động. Đây là một trong những lý do buộc Fed phải theo dõi thị trường”.

Vai trò của Fed

Fed là một trong những thành phần quan trọng nhất của thị trường, đồng thời là mối liên kết với nền kinh tế. Các quan chức ngân hàng trung ương luôn tìm cách thích nghi với biến động của thị trường.

Nhưng từ sau khủng hoảng tài chính 2008, chính sách tiền tệ lại càng phụ thuộc vào các tài sản rủi ro để làm cơ chế truyền tải. Kể từ đó, Fed đã mua hơn 8.000 tỷ USD trái phiếu nhằm cố giữ cho lãi suất thấp và duy trì sự vận động của dòng tiền trong nền kinh tế, bao gồm cả nền kinh tế tài chính.

Ông Steve Blitz, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại TS Lombard đánh giá: “Người tiêu dùng ngày nay tham gia rất nhiều vào thị trường chứng khoán, và chính Fed đã đặt họ vào vị trí đó. Đặc biệt, người tiêu dùng là người mua lớn của chứng khoán kể từ năm 2016. Chúng ta đang chứng kiến tương quan cực kỳ lớn giữa giá cổ phiếu và chi tiêu tùy ý”.

Tuy nhiên, giới chức Fed có thể sẽ không ngần ngại khi làm giảm bớt “nhiệt” trên thị trường. Đối với Fed, lạm phát vẫn đang là rắc rối chính, và nguyên nhân là nguồn cung hàng hóa không thể đáp ứng nhu cầu không ngừng của người tiêu dùng. Thị trường bị bán tháo trong ba ngày liên tiếp, sau khi Fed công bố tăng lãi suất 50 điểm cơ bản.  

Fed cũng sắp bắt đầu giảm bớt số trái phiếu đã tích lũy. Quy trình này tác động trực tiếp đến Phố Wall và ảnh hưởng đến cả Phố Main thông qua chi phí vay cao hơn, đặc biệt là vay mua nhà.

Do đó, thị trường và nền kinh tế “khác biệt nhưng nối liền với nhau”, theo Giám đốc Krosby của LPL Financial. Thị trường chứng khoán “là một thành phần của môi trường tài chính. Fed giả định rằng thị trường thoái lui có thể giúp làm giảm nhu cầu, và đây là điều họ muốn. Fed muốn làm chậm nền kinh tế”.

Giang