Chứng khoán Mỹ đỏ lửa phiên đầu tháng, Dow Jones sụt hơn 600 điểm
Kết phiên 1/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 622 điểm, tương đương 2,6%, và đóng cửa ở 23.724 điểm. Các cổ phiếu thành phần Exxon Mobil và Dow Inc đều sụt hơn 7%.
S&P 500 và Nasdaq Composite cũng giảm lần lượt 2,8% và 3,2%. Dẫn đầu đà đi xuống của S&P 500 là nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu và viễn thông. Một loạt tên tuổi lớn trong ngành công nghệ đều giảm điểm trong phiên 1/5.
Amazon sụt 7,6% sau khi thông báo kế hoạch sử dụng toàn bộ lợi nhuận quí II, tương đương khoảng 4 tỉ USD, để ứng phó với đại dịch COVID-19. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong quí I của đại gia công nghệ này cũng chỉ đạt 5,01 USD, thấp hơn kì vọng 6,25 USD của giới phân tích theo khảo sát của Refinitiv.
Apple công bố lợi nhuận quí vừa qua vượt kì vọng của các nhà phân tích, nhưng doanh thu chỉ đi ngang so với cùng kì năm trước. Đại gia táo khuyết cũng không đưa ra dự báo kết quả kinh doanh trong quí 1/4-30/6/2020 vì lo ngại những bất ổn do dịch COVID-19 gây ra. Kết phiên 1/5, cổ phiếu Apple sụt 1,6%.
Facebook và Alphabet (công ty mẹ của Google) cùng giảm 1,2% trong khi Netflix mất 1,1%.
Nguy cơ Mỹ và Trung Quốc căng thẳng trở lại cũng tạo tâm lí tiêu cực lên thị trường chứng khoán sau khi Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow tuyên bố Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm về virus corona chủng mới gây ra dịch COVID-19.
"Trung Quốc chắc chắn phải chịu trách nhiệm về đại dịch COVID-19. Không nghi ngờ gì về điều đó cả. Cụ thể như thế nào, khi nào, ở đâu và tại sao – những việc này sẽ do Tổng thống Trump quyết định", ông Kudlow nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
Bình luận trên được ông Kudlow đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với báo giới rằng ông nghi ngờ virus corona chủng mới đến từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, tuy nhiên ông Trump không đưa ra bằng chứng nào.
Ông James Ragan, Giám đốc nghiên cứu quản lí tài sản tại D.A. Davidson nhận định: "Khả năng ông Trump dùng thuế quan chống lại Trung Quốc đã xuất hiện từ vài ngày nay … nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thuế quan khác từ đại dịch này là có thật…. Hiện chưa có chính sách nào được soạn thảo nhưng tôi nghĩ thị trường đã phần nào phản ứng nguy cơ tiềm ẩn".
Trước đó vào phiên 30/4, thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống khi đón nhận nhiều số liệu kinh tế tiêu cực. Cụ thể, nước Mỹ ghi nhận thêm 3,84 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 25/4, nâng tổng số người xin trợ cấp trong 6 tuần qua lên mức 30,3 triệu. Doanh số tiêu dùng của người dân trong tháng 3 giảm tới 7,5% so với cùng kì năm trước.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn ghi nhận tháng tăng điểm mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỉ.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng 12,7% trong tháng 4 – mức tăng hàng tháng lớn thứ 3 kể từ sau Thế chiến II. Dow Jones cũng tăng 11,1%, đánh dấu tháng tích cực nhất kể từ năm 1987. Nasdaq Composite bứt phá 15,5%, ghi nhận tháng tăng nhiều nhất kể từ tháng 6/2000.