|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ đang xanh ngát chuyển sang đỏ rực vì đâu?

06:58 | 02/12/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 1/12 ban đầu tăng mạnh nhưng kết phiên giảm sâu sau khi CDC ghi nhận ca nhiễm COVID-19 biến thể Omicron đầu tiên trên đất Mỹ.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt gần 462 điểm, tương đương 1,34%, và đóng cửa ở 34.022 điểm. Trong phiên, đã có lúc chỉ số gồm 30 bluechip này tăng 520 điểm. Như vậy, khoảng cách từ đỉnh xuống đáy trong phiên 1/12 là gần 1.000 điểm.

S&P 500 kết phiên giảm 1,18% dù có lúc tăng tới 1,9%. Theo CNBC, đây là lần đầu tiên kể từ 13/10 chỉ số đại diện thị trường này đóng cửa dưới đường bình quân trượt 50 ngày (MA 50).

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 1,83% dù trong phiên tăng tới 1,8%.

Chứng khoán Mỹ đang xanh ngát chuyển sang đỏ rực vì đâu? - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ liên tục lao dốc sau khi xuất hiện thông tin về biến chủng Omicron.

Chứng khoán Mỹ đảo chiều sau khi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) xác nhận ca nhiễm biến thể COVID-19 Omicron đầu tiên tại bang California.

Bệnh nhân đầu tiên của Mỹ đã tiêm vắc xin đầy đủ, trở về từ Nam Phi vào ngày 22/11, có triệu chứng nhẹ và hiện sức khỏe đang dần cải thiện, quan chức y tế California cho biết.  Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 23 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm Omicron.

Các cổ phiếu liên quan tới du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất trong phiên đầu tháng 12. American Airlines sụt 8%, United và Delta Air Lines mất tương ứng 7,3% và 7,5%. Cổ phiếu hãng sản xuất tàu bay Boeing giảm 4,8%.

Cổ phiếu du thuyền Norwegian Cruise Line và Carnival mất lần lượt 8,8% và 7%. Wynn Resorts và Hilton Worldwide kết phiên trong sắc đỏ 3,8%.

Cổ phiếu bán lẻ cũng không tránh khỏi tổn thất. Nordstrom giảm 5,3%, Kohl's mất 5,6%, Best Buy và Macy's đi xuống tương ứng 4,3% và 4,6%.

Chứng khoán Mỹ đang xanh ngát chuyển sang đỏ rực vì đâu? - Ảnh 2.

Chứng khoán Mỹ lao dốc trên diện rộng trong phiên đầu tháng 12.

Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000, gồm đa số các doanh nghiệp rất nhạy cảm với tình hình kinh tế, lao dốc 2,3% trong phiên 1/12.

Ngoài siêu biến thể Omicron, một nhân tố khác làm nhà đầu tư lo lắng là việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell xem xét kịch bản chấm dứt kích thích tiền tệ sớm hơn kế hoạch đã công bố hồi đầu tháng 11.

Phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 30/11, ông Powell nói: "Vào thời điểm này, nền kinh tế đang rất vững mạnh trong khi áp lực lạm phát đã cao hơn trước. Vì vậy tôi nghĩ Fed nên xem xét kết thúc chương trình mua trái phiếu sớm hơn vài tháng. Chúng tôi sẽ bàn bạc về vấn đề này trong cuộc họp sắp tới".

Sau phát biểu của ông Powell, chứng khoán Mỹ phiên 30/11 tăng tốc đi xuống, Dow Jones đóng cửa mất 652 điểm.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm có lúc tăng tới 9 điểm cơ bản lên 1,5% nhưng sau đó rút về khoảng 1,41%. Lợi suất giảm đồng nghĩa với giá trái phiếu tăng, cho thấy nhà đầu tư rời bỏ những tài sản rủi ro như cổ phiếu để dồn tiền vào tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ.

Theo ông Steve Massocca, Giám đốc điều hành công ty chứng khoán Wedbush Securities, một số nhà đầu tư đang cố tình bán lỗ một số cổ phiếu để giảm thuế thu nhập phải nộp do lãi ở các cổ phiếu khác quá lớn.

Chứng khoán Mỹ đang xanh ngát chuyển sang đỏ rực vì đâu? - Ảnh 4.

Dow Jones biến động mạnh sau khi phát hiện biến thể Omicron.

Kể từ sau khi WHO phát hiện biến thể Omicron vào cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục có nhiều phiên biến động mạnh. 

Song Ngọc - Đức Quyền