|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Làm sao để biết đà suy giảm của thị trường sẽ biến thành cuộc sụp đổ kinh hoàng

12:14 | 02/12/2021
Chia sẻ
Có ít nhất 4 dấu hiệu xuất hiện khi chứng khoán Mỹ đang tiến đến địa ngục, và hai trong số đó đã hiện hữu.
Làm sao để biết đà suy giảm của thị trường sẽ biến thành cuộc sụp đổ khủng khiếp? - Ảnh 1.

Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Thị trường giá lên không tồn tại vĩnh viễn – đôi khi chúng chết một cách đẫm máu và bi tráng. Rắc rối là bạn không bao giờ biết chắc rằng việc thị trường sụt giảm mạnh vài ngày chỉ là một đợt điều chỉnh (hay cơ hội mua vào đối với vài người) hay là khởi đầu của ngày tận thế.

Theo Fortune, những vụ sụp đổ chứng khoán đáng sợ thường là dấu hiệu báo trước của một cuộc suy thoái. Năm 1929, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất một nửa giá trị. Giai đoạn đầu đại dịch COVID-19 năm 2020, Dow Jones lao dốc hơn 30%. Năm 2021, với thị trường chứng khoán Mỹ cao ngất ngưởng, các lời tiên đoán về ngày tàn của thị trường được gióng lên khắp nơi.

Làm sao để biết đà suy giảm của thị trường sẽ biến thành cuộc sụp đổ kinh hoàng - Ảnh 2.

Ông Michael Burry, tay bán khống trong bộ phim The Big Short dự đoán được sự tan vỡ của bong bóng nhà đất 2007-2008, cảnh báo hoạt động đầu cơ tràn lan sẽ mang đến "cuộc đổ vỡ lớn nhất trong lịch sử".

Khi 4 dấu hiệu dưới đây xuất hiện cùng lúc, hãy cảnh giác rằng những tình huống xấu có thể xảy ra:

P/E quá cao

Thước đo định giá chứng khoán phổ biến nhất là P/E đã duy trì ở mức cao trong một thời gian. P/E gần đây của S&P 500 là 26 lần, cao hơn hẳn trung bình quá khứ là 15 lần. Thị trường có xu hướng trở lại mức trung bình, tức là sau khi lên quá cao thì thị trường sẽ rơi xuống ngưỡng hợp lý hơn, gây ra trải nghiệm đau đớn cho nhà đầu tư.

Do giá cổ phiếu chủ yếu là sự phản ánh lợi nhuận của công ty, nên P/E đo lường những gì bạn nhận được số tiền bỏ ra. FactSet dự đoán lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ trong năm 2021 sẽ tăng 45%. Nhưng triển vọng cho năm tới không khả quan đến vậy. FactSet dự kiến tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2022 sẽ chỉ còn 8,5%. Và nếu kinh tế Mỹ rơi vào giai đoạn giảm tốc, số lợi nhuận này sẽ bốc hơi.

Hành động của Fed

Một trong những nguyên nhân kinh điển khiến thị trường cắm đầu rơi thẳng đứng và kinh tế suy thoái là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quá nhanh so với sức chịu đựng của nhà đầu tư. Lãi suất cao hơn khiến việc đi vay trở nên kém hấp dẫn hơn và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp

Sau khi giữ cho lãi suất điều hành gần 0 từ năm ngoái, Fed đã ra tín hiệu sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào cuối năm sau. Nhưng trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 30/11, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo lạm phát dai dẳng có thể buộc ngân hàng trung ương Mỹ hành động sớm hơn và mạnh tay hơn.

Nhà kinh tế Jeremy Siegel, Giáo sư tại Trường Wharton của Đại học Pennsylvania dự đoán Fed sẽ hành động trong một hoặc hai tháng tới, dẫn đến kết quả là chứng khoán sụt giảm.

Đường cong lợi suất đảo ngược

Đường cong lợi suất đảo ngược khi lợi suất của trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm cao hơn kỳ hạn 10 năm. Thông thường, lợi suất trái phiếu 10 năm cao hơn hẳn kỳ hạn 2 năm, vì nhà đầu tư đòi hỏi phần thưởng lớn hơn để bù đắp rủi ro nắm giữ trái phiếu kỳ hạn dài hơn.

Nhưng khi cơn bão kinh tế kéo đến, nhà đầu tư thường đổ xô vào trái phiếu kỳ hạn 10 năm, coi đây là chỗ trú an toàn hơn. Việc này khiến giá trái phiếu đi lên và lợi suất đi xuống (giá và lợi suất trái phiếu biến động ngược chiều nhau).

Đường cong lợi suất đảo ngược đã xuất hiện trước mọi cuộc suy thoái trong 50 năm qua, và chỉ có đúng một lần là trở thành báo động giả. Hiện tại, chênh lệch giữa trái phiếu kỳ hạn 2 và 10 năm đã thu hẹp, cách nhau khoảng 0,9 điểm %.

Thiên nga đen

Thiên nga đen là những sự kiện đánh sập thị trường và nền kinh tế. Đôi khi, sự xuất hiện của chúng là không thể thấy trước được, giống như vụ khủng bố 11/9/2001 đã làm tê liệt thị trường chứng khoán.

Những hiểm họa rình rập khác thực chất lại khá rõ ràng nhưng bị đám đông ngó lơ, ví dụ như các vụ vỡ nợ thế chấp dưới chuẩn ngày càng gia tăng trong năm 2007. Chúng châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc sụp đổ lớn của thị trường bắt đầu từ tháng 9/2008.

Dĩ nhiên việc xác định đâu là thiên nga đen không hề dễ dàng. Một gợi ý là thiên nga đen xuất hiện khi các quan chức gạt đi một rắc rối khổng lồ và rõ ràng. Năm 2007, câu nói đáng chú ý là mớ nợ thế chấp hỗn độn có thể được "kiềm chế".

Năm 2021, Nhà Trắng và Fed nhấn mạnh rằng sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, do các yếu tố liên quan đến COVID-19 gây ra, là "tạm thời". Nếu chúng không phải "tạm thời" mà "lâu dài" thì điều gì sẽ xảy ra?

Hiện tại, P/E cao ngất ngưởng của các chỉ số chứng khoán chính và sự lạc quan về chuỗi cung ứng của giới quan chức là hai tín hiệu duy nhất cho thấy rắc rối có thể đang diễn ra. Nếu những tín hiệu khác xuất hiện, nhà đầu tư cần phải dè chừng.

Giang