|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ, châu Âu cùng rớt thảm khi thị trường việc làm suy yếu, thất nghiệp tăng

07:51 | 03/08/2024
Chia sẻ
Chứng khoán Mỹ và chứng khoán châu Âu cùng giảm mạnh khi dữ liệu việc làm tháng 7 yếu hơn kỳ vọng cho thấy Fed có thể đã chậm chân trong việc hạ lãi suất.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 2/8, chỉ số S&P 500 giảm 1,84% và đóng cửa ở mức 5.347 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 2,43% và chốt phiên với 16.776 điểm. Từ mức đỉnh lịch sử, Nasdaq Composite đã tụt hơn 10%. 

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 611 điểm, tương đương 1,51% và kết thúc với 39.737 điểm. Tại mức thấp nhất trong phiên, chỉ số này đã giảm 989 điểm. 

Nasdaq Composite đã rơi vào vùng điều chỉnh kỹ thuật do giảm hơn 10% từ đỉnh. 

Trước đó, chứng khoán châu Âu cũng đã trải qua phiên giao dịch khó khăn nhất trong gần hai năm do dữ liệu kinh tế của Mỹ làm dấy lên lo ngại về suy thoái. Chỉ số Stoxx 600 chốt phiên giảm 2,82%, ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2022. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên chỉ số này giảm xuống dưới mốc 500 điểm kể từ tháng 4/2024. 

Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một tuần đầy biến động khi có ba phiên tích cực đầu tuần và bị bán tháo trong hai ngày cuối.

Cổ phiếu đã tăng giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra tín hiệu mạnh mẽ rằng sẽ có đợt cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo, nhưng rồi lại quay đầu giảm vì dữ liệu kinh tế yếu hơn kỳ vọng. Thị trường hiện đang cho rằng lẽ ra Fed nên hành động ngay trong cuộc họp tháng 7.

Tăng trưởng tiền lương và lao động đi xuống, báo hiệu nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. 

Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cho thấy vào tháng 7, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 114.000 việc làm, thấp hơn ước tính 185.000 của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát và giảm đáng kể so với mức tăng trưởng việc làm (đã điều chỉnh) vào tháng 6 là 179.000.

Cũng theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đi lên và chạm mức 4,3% vào tháng 7 - kết quả cao nhất kể từ tháng 10/2021. Thu nhập trung bình hàng giờ của người lao động Mỹ tăng 0,2% so với tháng 6 và 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai đều thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế, lần lượt là 0,3% và 3,7%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023 khi các nhà đầu tư tìm đến trái phiếu như một kênh trú ẩn an toàn trước lo ngại Fed đã sai lầm khi giữ nguyên lãi suất trong tháng 7. 

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tụt xuống mức thấp nhất trong một năm. 

Một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã đi xuống trong phiên. Cổ phiếu Amazon đã trượt dốc 8,8% sau khi không đạt được ước tính doanh thu của Phố Wall và đưa ra triển vọng yếu. 

Cổ phiếu Intel cắm đầu 26% sau khi hãng bán dãn này công bố triển vọng yếu kém và sa thải hàng chục nghìn nhân viên. Cổ phiếu Nvidia cũng mất 1,8%, kéo dài đà giảm 6% ghi nhận trong phiên trước đó.

Nasdaq Composite đã trở thành chỉ số chính đầu tiên rơi vào vùng điều chỉnh khi giảm hơn 10% so với đỉnh lịch sử. S&P 500 và Dow Jones lần lượt mất 5,7% và 3,9% so với mức cao nhất mọi thời đại. 

Ông Adam Turnquist, chiến lược gia kỹ thuật trưởng của LPL Financial, nhận định rằng sự sụt giảm trong phiên 2/8 là “diễn biến tự nhiên” trong một thị trường giá lên đang trong quá trình đảo ngược xu hướng tăng mạnh.

Nasdaq “đã bị quá mua (overbought) trong tháng 7, tương tự như cổ phiếu bán dẫn. Những sự hào hứng với trí tuệ nhân tạo (AI) chưa được kiểm chứng trong thực tế”, chuyên gia cho biết và khẳng định rằng “câu chuyện về AI vẫn chưa kết thúc”. 

Không những các nhóm công nghệ bị bán tháo, cổ phiếu ngân hàng cũng giảm sâu trước mối lo suy thoái. Cổ phiếu Bank of America giảm 4,9%, Wells Fargo giảm 6,4%. 

Cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu bị bán tháo mạnh nhất trong phiên 2/8 trước nỗi lo suy thoái. 

Minh Quang