|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Nhật Bản đỏ lửa, chuyên gia nhận xét 'đây là một thảm hoạ'

10:23 | 02/08/2024
Chia sẻ
Cổ phiếu Nhật Bản giảm mạnh trong phiên 2/8 khi chính sách tiền tệ thắt chặt của ngân hàng trung ương nước này làm rung chuyển một trong những thị trường hoạt động tốt nhất thế giới.

 

Bên ngoài Sàn Giao dịch Chứng khoán Tokyo. (Ảnh: Bloomberg).

"Thảm hoạ"

Các cổ phiếu Nhật Bản đang giảm mạnh nhất kể từ năm 2020. Nguyên nhân của đợt bán tháo bắt nguồn từ chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), theo Bloomberg.

Cổ phiếu của các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi đợt tăng giá gần đây của đồng yen, trong khi nhóm cổ phiếu tài chính đi xuống do nhà đầu tư lo ngại rằng mức tăng gần đây có thể quá mạnh.

Trong phiên giao dịch ngày 2/8, chỉ số chuẩn Topix hiện giảm tới 5,7%. Tính gộp hai phiên kể từ khi BoJ tăng lãi suất và Thống đốc Kazuo Ueda phát tín hiệu diều hâu vào ngày 31/7, Topix đã giảm khoảng 8%.

Nếu Topix đóng cửa ở mức hiện tại, chỉ số này sẽ cùng với Nikkei 225 bước vào một đợt điều chỉnh kỹ thuật. So với mức đỉnh vào tháng 7, Topix đã mất hơn 10%.

Sự đảo chiều mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Nhật Bản trong vài tuần gần đây diễn ra khi đồng yen tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng so với đồng USD, từ đó gây áp lực lên các nhà xuất khẩu như Honda Motor.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu tăng cao hơn đã kéo các công ty bất động sản như Mitsui Fudosan đi xuống.

Chỉ ba tuần trước, các cổ phiếu Nhật Bản vừa chạm kỷ lục mới, khi các cổ phiếu tài chính vui mừng trước khả năng BoJ tăng lãi suất.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Kiyoshi Ishigane, nhà quản lý quỹ tại Mitsubishi UFJ Asset Management, cho hay: “Tôi không ngờ cổ phiếu lại giảm mạnh như vậy - đây là một thảm hoạ”.

Theo vị chuyên gia, có thể đà giảm chỉ là tạm thời, nhưng cổ phiếu Nhật Bản đang trong “tình cảnh tồi tệ nhất”.

 

Lo ngại về đồng yen

Các nhà đầu tư đã chốt lời cổ phiếu tài chính - các công ty giao dịch tốt nhất trong chỉ số Topix nhờ triển vọng được hưởng lợi từ lãi suất cao hơn. Chỉ số theo dõi các cổ phiếu ngân hàng đã giảm hơn 8%.

“Có vẻ như đang có lực bán mạnh”, ông Andrew Jackson, trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu Nhật Bản tại Ortus Advisors, đánh giá.

Mối lo ngại hàng đầu đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản là đồng yen. Chiến lược gia tại Amundi và TD Securities cho rằng đồng yen có thể tăng lên mức 140 yen đổi 1 USD.

“Nói tóm lại, nguyên nhân chủ chốt là đồng yen”, nhà phân tích thị trường Kyle Rodda của nền tảng Capital.Com cho hay.

“Các thị trường đang tăng cường đặt cược vào khả năng Mỹ giảm lãi suất khi có lo ngại về hoạt động kinh tế. Xu hướng này diễn ra ngay thời điểm BoJ chỉ mới bắt đầu thắt chặt chính sách”, ông Rodda nói tiếp.

 

Từng là động lực chính thúc đẩy thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1.560 tỷ yen (khoảng 10,4 tỷ USD) cổ phiếu và hợp đồng tương lai chứng khoán Nhật Bản trong tuần kết thúc vào ngày 26/7, theo dữ liệu từ Japan Exchange Group.

Chỉ số Topix tụt hơn 5% trong giai đoạn đó, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong 4 năm.

Cổ phiếu công nghệ nằm trong số những nhóm giảm mạnh nhất trên Nikkei 225. Trong đó, Tokyo Electron mất tới 12% và Screen Holdings tụt 11%.

“Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đang bán ra khi triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp thay đổi, do lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ và xu hướng mạnh lên của đồng yen”, chiến lược gia Ryuta Otsuka của Tokyo Securities cho hay.

“Thị trường rõ ràng đã chuyển sang trạng thái bi quan trong ngắn hạn và xu hướng trung hạn của cổ phiếu Nhật Bản có thể sắp thay đổi do mối lo về nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc”, ông chia sẻ thêm.

Khả Nhân

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.