Chứng khoán Mỹ chao đảo, nhà đầu tư ‘say sóng’
Chứng khoán Mỹ 7/12: Dow Jones giảm hơn 550 điểm, xóa sạch tăng trưởng trong năm |
Năm ngoái, nhiều nhà đầu tư phàn nàn rằng thị trường chứng khoán Mỹ chỉ biến động một chiều thì không thể giao dịch được. Trớ trêu thay, từ tháng 10 đến nay thị trường liên tục biến động tới mức điên loạn, tăng giảm thất thường khiến nhà đầu tư không biết đâu mà lần. Chỉ còn ba tuần nữa là kết thúc năm 2018 và nhiều nhà quản lí quĩ đầu tư chủ động đang mong chờ thị trường sẽ bình ổn trở lại như xưa.
Ông Tony Dwyer, một chiến lược gia thị trường tại quĩ Canaccord Genuity, cho rằng: “Hiện giờ mọi người đang cảm thấy hơi mất tinh thần. Năm nay rõ ràng là một năm đầy thử thách”.
Nói như vậy là bởi không có chiến lược đầu tư nào tỏ ra hiệu quả. Tuần trước, chỉ số S&P 500 giảm 4,6%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 năm nay. Trong ba tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã luân phiên tăng giảm với biên độ ít nhất là 3% - mức biến động chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm về trước.
Chỉ số S&P 500 biến động mạnh theo đường zig-zag thời gian gần đây. Nguồn: Bloomberg. |
Và mức biến động này không chỉ xuất hiện theo tuần mà thậm chí là còn theo ngày. Thử lấy ngày thứ Năm vừa qua làm ví dụ, chỉ số S&P 500 có lúc giảm tới 2,9% nhưng rồi bật tăng và kết phiên chỉ còn giảm 0,2%. Hôm thứ Sáu, chỉ số ban đầu tăng điểm nhưng sau đó liên tục đi xuống và kết phiên giảm 2%.
Lí do của những biến động thất thường này thì có nhiều nhưng chung qui lại thì chỉ có mối lo lãi suất tăng và cuộc chiến thương mại hiện nay sẽ bóp nghẹt tăng trưởng toàn cầu và lợi nhuận doanh nghiệp.
Chứng khoán Mỹ làm khó các quĩ đầu cơ
Sự biến động của thị trường cũng đang gây áp lực lên các nhà quản lí quĩ. Tính từ tháng 10 đến nay, thành quả cả năm của nhóm này đã hoàn toàn bị thổi bay. Theo số liệu do ngân hàng Wells Fargo tổng hợp, suất sinh lời của nhóm này trong năm 2018 thấp hơn so với thị trường chung 0,84 điểm % trong khi trước đó cao hơn thị trường chung 2 điểm %.
Giờ đây các nhà đầu tư đang phải tìm cách gỡ gạc lại vốn liếng khi hạn chót để báo cáo kết quả đầu tư trong năm đang đến gần. Tuy nhiên họ lại phải đối mặt với một bài toán khó.
Mức định giá cổ phiếu đã xuống tới mức thấp nhất kể từ năm 2016 khi thị giá liên tục giảm và lợi nhuận vẫn tăng trưởng. Một số dự báo cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng 9% trong năm sau, nhưng ước tính này sẽ là vô nghĩa nếu cuộc chiến thương mại tiếp diễn và hạn chế hoạt động doanh nghiệp.
“Để hiểu rõ xu thế phòng thủ hiện nay sẽ còn kéo dài hay liệu chúng ta sẽ có cơ hội quay lại thời kì cổ phiếu rẻ như trước đây, cần phải đợi kết quả của cuộc đàm phán thương mại trong vài tháng, thậm chí vài năm tới”, bà Andrea DiCenso, đồng quản lí danh mục tại Loomis Sayles nói thêm, “Vấn đề là, để quay lại thời kì cổ phiếu rẻ cần phải được xu thế thị trường ủng hộ”.
Tuy nhiên xu thế thị trường hiện chẳng ủng hộ ai. Diễn biến hôm thứ Sáu vừa qua là minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi như trở bàn tay của thị trường. Các chỉ số chính giảm trong phiên giao dịch qua đêm nhưng rồi bật tăng khi thị trường chính thức mở cửa vì nhiều nhà đầu tư kì vọng số liệu việc làm mới nhất sẽ làm chùn bước tăng lãi suất của Fed.
Sau đó, những lo ngại mới xuất hiện liên quan tới việc chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sẽ không giải quyết được vấn đề căng thẳng thương mại khiến cho chỉ số S&P 500 giảm một mạch 2,7% và các ngưỡng kĩ thuật quan trọng đều bị phá vỡ.
Tỉ suất sinh lợi so với thị trường chung của các quĩ định lượng vốn hóa lớn (đường màu xanh) và quĩ cơ bản vốn hóa lớn (đường màu đỏ). Nguồn: Bloomberg/Wells Fargo. |
Đợt bán tháo tuần vừa qua là tin cực xấu cho các quĩ đầu cơ vừa mới quay lại thị trường cổ phiếu sau nhiều tháng phòng thủ. Theo số liệu được Goldman Sachs tổng hợp từ khách hàng, tỉ lệ đòn bẩy – thước đo khẩu vị rủi ro - của các quỹ đầu cơ tăng 2,5 điểm % lên 234,5% vào ngày 29/11, từ mức thấp nhất một năm của 10 ngày trước đó.
Tương tự, tuần trước các quĩ đầu cơ là khách hàng của JP Morgan cũng tăng mức đầu tư vào cổ phiếu với tốc độ vào loại nhanh nhất trong năm nay.
Ngành quản lí quĩ đầu cơ sắp kết thúc một năm tồi tệ nhất kể từ 2011 với chỉ số S&P 500 hai lần điều chỉnh trên 10%. Chỉ số HFRX đo lường suất sinh lợi của các quĩ đầu cơ đã sụt giảm 6% kể từ tháng 1, trong khi chỉ số tham chiếu đi ngang.
Ông Mark Connors, giám đốc tư vấn rủi ro tại Credit Suisse nhận xét “Những tín hiệu rủi ro xuất hiện ngày càng nhiều cho thấy sự biến động không ngừng của thị trường chứng khoán nói chung và suất sinh lợi của các quĩ đầu cơ nói riêng”.