Chứng khoán Mỹ 3/1: Dow Jones bay 660 điểm, Apple giảm mạnh nhất 6 năm
Chứng khoán Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu đồng loạt ‘cắm đầu’ sau khi Apple ra tin xấu |
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 660,02 điểm, tương đương 2,8%, xuống còn 22.686,22 điểm, dẫn đầu đà giảm là cổ phiếu Apple. Chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechips này có lúc giảm tới hơn 700 điểm so với cuối phiên trước.
Chỉ số S&P 500 giảm 2,47% còn 2.447,89 điểm trong đó nhóm ngành công nghệ sụt 5,07%.
Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3% xuống 6.463,5 điểm, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp. Trong đó, cổ phiếu Apple giảm gần 10%, khiến đây trở thành phiên giảm sâu nhất của cổ phiếu táo khuyết kể từ năm 2013.
Diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ phiên 3/1. Nguồn: Bloomberg. |
Trước đó, Apple cho biết hãng dự báo doanh thu quí I đạt khoảng 84 tỉ USD trong khi dự báo trước đó của hãng là khoảng 89-93 tỉ USD. Còn theo ước tính của FactSet, giới phân tích kì vọng doanh thu Apple đạt 91,3 tỉ USD.
Ông Jeff Kilburg, CEO của KKM Financial, nhận định: “Thông tin này là một lí do nữa khiến nhà đầu tư phải lo ngại về tăng trưởng toàn cầu giảm tốc. Tình hình kinh doanh của Apple có thể coi là một đại diện cho tăng trưởng của Trung Quốc”.
Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ. Ảnh: CNBC. |
Cổ phiếu của các hãng sản xuất chip như Advanced Micro Devices, Nvidia, Skyworks và Qorvo đều giảm mạnh sau khi Apple đưa ra cảnh báo tình hình làm ăn giảm sút. Skyworks mất hơn 10%.
Các cổ phiếu trong ngành bán dẫn (semiconductors) giảm trên diện rộng, quĩ VanEck Vectors Semiconductor ETF (SMH) mất 6%.
Thông tin tiêu cực từ Apple cũng kéo tụt giá cổ phiếu của những công ty khác có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Cổ phiếu Caterpillar giảm 3,9%, Boeing giảm 4%.
Trong một bức thư gửi nhà đầu tư, CEO Tim Cook cho biết: “Chúng tôi đã dự báo các thị trường mới nổi chủ chốt sẽ xuất hiện nhiều trở ngại, nhưng chúng tôi không lương trước được mức độ giảm tốc kinh tế ghê gớm như hiện nay, đặc biệt là tại Trung Quốc”. Ông nói thêm “Chúng tôi tin rằng môi trường kinh tế tại Trung Quốc đang xấu đi do căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ. Những bất ổn thương mại này không chỉ tác động tới các thị trường tài chính mà có vẻ như cũng đã vươn tới cả khu vực tiêu dùng, bằng chứng là lượng người đến các cửa hàng và đối tác của chúng tôi liên tục sụt giảm trong quí I”. (quí I của Apple là ba tháng kết thúc ngày 29/12/2018).
Trung Quốc và Mỹ hiện đang cố gắng đạt được một thỏa thuận thương mại sau khi đánh thuế lên hàng tỉ USD hàng hóa của nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư tuần này cho biết đợt sụt giảm trên thị trường chứng khoán Mỹ tháng trước - tháng 12 tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1931 - chỉ là một "vết trầy xước nhỏ" và nói thêm rằng thị trường chứng khoán sẽ hồi phục một khi các vấn đề thương mại được giải quyết.
Chỉ số ISM gây thất vọng, như đổ thêm dầu vào lửa chứng khoán Mỹ
Đợt bán tháo phiên 3/1 càng trở nên tồi tệ sau khi số liệu mới công bố cho thấy khu vực sản xuất của Mỹ không tích cực như nhiều như báo.
Cụ thể, chỉ số sản xuất ISM tháng 12 giảm xuống còn 54,1 điểm trong khi các nhà kinh tế được Refinitiv khảo sát dự báo ở mức 57,9 điểm.
"Lịch đã sang năm mới nhưng thị trường vẫn chưa sang trend mới," ông Eric Wiegand, quản lí danh mục cao cấp tại U.S. Bank Private Wealth Management nhận định. "Chúng ta vẫn chứng kiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Đầu năm nay, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trên khắp thế giới cho thấy hoạt động kinh tế đang yếu đi, khiến nhiều nhà đầu tư phải bất ngờ. Xu thế này lại càng được củng cố bởi số liệu ISM mới công bố".
Cổ phiếu của Delta Air Lines giảm gần 9% sau khi hãng này đưa ra dự báo doanh thu quí IV thấp hơn kì vọng. Các cổ phiếu hàng không khác cũng bị vạ lây như American Airlines giảm 7,5% và United Continental giảm 5%.