Chứng khoán KIS nhận định VN-Index tạo mô hình hai đỉnh và gợi ý nhóm ngành triển vọng quý cuối năm
VN-Index hình thành mô hình hai đỉnh
Báo cáo chiến lược quý IV của KISVN, sau giai đoạn tăng trưởng ổn định trong quý II, thị trường chứng khoán (TTCK) có sự biến động mạnh trên hầu hết các chỉ số chính. Thị trường lại liên tục đối mặt với những khó khăn khi tiếp cận vùng kháng cự quan trọng 1.240 - 1.250 điểm. Chỉ số ghi nhận tăng 3,03% so với quý trước.
Đáng chú ý, tăng trưởng trong quý III thấp hơn so với quý II. Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường có thể kể đến là quan điểm “diều hâu” của Fed với vấn đề lãi suất, rủi ro về tỷ giá, giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng và động thái thắt chặt thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua phát hành tín phiếu.
Hàng loạt các thông tin bất lợi kể trên là nguyên nhân chính khiến quá trình phục hồi của thị trường liên tục phải đối mặt với những khó khăn trong giai đoạn cuối quý III.
KISVN đánh giá nền kinh tế đã tạo đáy trong quý I, mang đến một cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cho TTCK. Kinh tế đã đối mặt với nhiều khó khăn đáng kể, tạo đáy trong quý I với tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ ở mức 3,28%. Tuy nhiên, xu hướng này đã có dấu hiện cải thiện trong quý II và III với tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 4,14% và 5,35%. Với tốc độ tăng trưởng trong quý III, việc đạt được tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 theo mục tiêu của Chính phủ là việc rất khó khăn.
Tuy nhiên, sự phục hồi tích cực từ quý I là một dấu hiệu đáng kỳ vọng, cho thấy tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2024 - 2025. Theo thống kê của Bloomberg, dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP cho năm 2023, 2024 và 2025 lần lượt tương ứng với các mức 5%, 6,4% và 6,7%. Hơn nữa, hầu hết các chỉ báo kinh tế chính cũng đã thể hiện sự cải thiện đáng kể.
Kể từ đầu năm 2023, NHNN đã triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, thể hiện qua việc ba lần điều chỉnh mức lãi suất huy động. Theo đó, NHNN đã giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hơn thế nữa, lạm phát vẫn được kìm hãm, với tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 ghi nhận ở 3,66% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 4,5%. Do đó, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm tăng cường hỗ trợ kinh tế.
Nhóm phân tích dự báo có khả năng NHNN sẽ thực hiện thêm một lần giảm lãi suất trong quý IV. Tuy nhiên, điều này sẽ phải được cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định, đặc biệt là thời điểm giảm lãi suất do sự biến động của thị trường ngoại hối. Kể từ tháng 4/2023, tỷ giá hối đoái (USD/VND) đã thể hiện một xu hướng tăng, với mức tăng khoảng 4% so với mức thấp nhất trong tháng 4. Trong tháng 9 vừa qua, tỷ giá cũng ghi nhận mức đỉnh mới trong năm do hoạt động tăng lãi suất của Fed. Ngoài ra, lãi suất trong nước cũng có xu hướng tăng trở lại. Những yếu tố này có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định của NHNN trong việc tăng lãi suất.
Ở khía cạnh kỹ thuật, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, VN-Index thể hiện mẫu hình hai đỉnh với hai đỉnh nằm trong vùng 1.240 - 1.250 điểm. Mẫu hình này được xác nhận nhờ phiên phá vỡ vào ngày 25/9, khi chỉ số giảm xuống dưới ngưỡng 1.160 điểm, cận dưới của mẫu hình. Điều quan trọng là sự gia tăng về khối lượng và sự phân kỳ đã củng cố độ tin cậy của mẫu hình này. Mục tiêu giá của mẫu hình được ước tính vào khoảng 1.050 - 1.070 điểm.
TTCK Việt Nam chịu chi phối bởi chu kỳ 3 năm, hàm ý về các đáy quan trọng sẽ được hình thành ba năm một lần. Dựa trên xu hướng tăng kể từ tháng 5/2023, VN-Index đã vượt qua đường trung bình động 375 kỳ trên đồ thị ngày, vốn được sử dụng để xác định đáy 3 năm. Sự tăng trưởng này cho thấy đáy của chu kỳ 3 năm được thiết lập vào tháng 11/2022.
Bắt đầu từ đây, đáy chu kỳ 3 năm thứ 8 dự kiến sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2026. Hơn nữa, đáy vào tháng 11/2022 cũng báo hiệu sự kết thúc của chu kỳ 1 năm thứ 20 tại thị trường Việt Nam. Đáy của chu kỳ này dự kiến sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 1/2024. Do đó, thị trường hiện đang bước vào giai đoạn tạo đáy của chu kỳ 1 năm.
Dựa trên những phân tích về chu kỳ 1 năm và mẫu hình hai đỉnh, KISVN dự kiến chỉ số có thể nhanh chóng điều chỉnh về vùng 1.050 - 1.070 điểm. Tuy nhiên, xu hướng trung và dài hạn của thị trường vẫn là tăng trưởng, điều này được hỗ trợ bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực.
Những nhóm ngành triển vọng trong quý IV
Đánh giá triển vọng kinh doanh của một số nhóm ngành, nhóm phân tích dự báo lĩnh vực nông nghiệp sẽ hạ nhiệt trong quý IV. Giá gạo dự kiến giảm nhẹ do đã tăng cao trong quý III trước động thái áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu của Philippines giảm do đã bổ sung đủ kho dự trữ.
Giá heo hơi dự kiến tiếp tục ở mức thấp trong quý IV. Nguồn cung phục hồi dịp tết sẽ giữ giá thịt lợn ở mức 60.000 đồng/kg trong quý IV.
Đối với ngân hàng, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/9 tăng 6,92% so với cuối năm trước, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu năm 2023 là 14% và các năm trước do nhu cầu chậm. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn có tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước. Tăng trưởng tín dụng quý IV có thể tăng nhanh hơn so với các quý trước do nhu cầu thường tăng cuối năm và môi trường kinh doanh tốt hơn, nhưng vẫn thấp hơn so với các năm trước. Theo KISVN, triển vọng đầu tư trong ngành ngân hàng hấp dẫn nhờ vào định giá thấp và những khó khăn dần vượt qua.
Tháng 10 đánh dấu sự kết thúc của mùa mưa. KISVN dự báo tổng doanh số bán hàng của ngành thép sẽ tăng trong quý IV. Dự báo tổng doanh số bán hàng sẽ đạt 6,3 triệu tấn (tăng 13,5% so với cùng kỳ) so với 6,2 triệu tấn trong quý III/2023 nhưng tăng 8% so với cùng kỳ nhờ cơ sở thấp trong năm 2022. Giá đầu vào cao hơn sẽ ảnh hưởng đến GPM của các công ty. Tuy nhiên, lợi nhuận kỳ vọng sẽ tích cực nhờ sản lượng tăng. Nhóm phân tích cũng kỳ vọng sự cải thiện cho ngành thép từ quý IV và nhu cầu tốt hơn từ nửa đầu 2024.
Tại ngành xây dựng, mặc dù khối lượng xây dựng thấp hơn, dự báo biên lợi nhuận gộp của các nhà thầu dân dụng sẽ mở rộng trong nửa cuối nhờ giá vật liệu giảm. Giá thép xây dựng giảm xuống 13.480 đồng/kg (giảm 13% so với cùng kỳ năm trước), trong khi các vật liệu khác như xi măng, đá dăm và cát không có biến động đáng kể. Vật liệu đắt đỏ là yếu tố chính hạn chế biên lợi nhuận gộp của nhà thầu trong năm 2022 và nửa đầu 2023. Với thép xây dựng giá rẻ hơn, biên lợi nhuận gộp sẽ được mở rộng đối với các nhà thầu xây dựng dân dụng và công nghiệp trong nửa cuối 2023.
Tại lĩnh vực bất động sản nhà ở, sau khi các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM phối hợp với các bộ ngành liên quan tháo gỡ quy hoạch tổng thể các dự án của DIC Corp (DIG), Nam Long (NLG), Novaland (NVL) trong quý II, tốc độ tháo gỡ trong quý III đã chậm lại trong đó chỉ có dự án Gem Riverside được đưa vào trong quy hoạch nhà ở. Các chuyên gia kỳ vọng tín hiệu giải cứu có thể lấy lại tốc độ trong quý IV và những đơn vị trên có thể được hưởng lợi nhiều nhất.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/