|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dragon Capital: Chính sách hỗ trợ tiền tệ của Việt Nam sẽ được duy trì, VN-Index trở lại xu hướng tăng sau mùa báo cáo quý III

14:10 | 12/10/2023
Chia sẻ
Theo Dragon Capital, hệ thống theo dõi lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi và lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của quỹ vẫn chưa có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

Trong báo cáo mới đây, Dragon Capital đánh giá GDP quý III của Việt Nam tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy đà phục hồi đang có đà tăng trưởng cơ sở hàng quý (tăng 3,3% trong quý I, tăng 4,1% quý II). Kết quả này phần lớn nhờ vào lĩnh vực dịch vụ, với mức tăng tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh số bán lẻ trong quý III tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vận tải hành khách và hàng hóa tăng tương ứng 13,1% và 14,6%.

Bên ngoài, sự chú ý của thị trường toàn cầu tập trung vào việc tăng tốc của chỉ số USD (DXY) từ 103,6 lên 107. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ tăng từ 4,1% lên 4,8% khi Fed ra tín hiệu lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á duy trì hạ lãi suất, khác biệt với Fed nhằm kích thích hoạt động kinh tế. Điều này dẫn đến tình trạng tiền tệ đồng loạt giảm giá trong qIII, bao gồm THB (-3,5%), JPY (-3,5%), TWD (-3,5%), IDR (-3,1%) và KRW (-2,8%).

Trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng đồng tiền tiếp tục mất giá, một số quốc gia ghi nhận lãi suất liên ngân hàng tăng, trong đó có PBoC của Trung Quốc, Ngân hàng Malaysia, Philippines và Indonesia, hoặc tăng lãi suất điều hành để thu hẹp khoảng cách tiêu cực trong trường hợp của Ngân hàng Thái Lan.

Đối với Việt Nam, Dragon Capital đánh giá các yếu tố cơ bản vẫn ổn định, nhưng các yếu tố tương tự khiến tiền đồng giảm 3,3% trong quý III (xuống gần 24.400 đồng). Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành tín phiếu với tổng trị giá 5,7 tỷ USD khiến lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng tăng từ 0,7 - 0,8% vào đầu tháng 9 lên 2,5 - 2,7% tính đến ngày 6/10.

Dragon Capital tin rằng việc mất giá tiền đồng để duy trì khả năng cạnh tranh và phát hành tín phiếu là hoạt động bình thường và không phải là dấu hiệu của sự thay đổi chính sách. NHNN đã phát hành tín phiếu trong quá khứ như một phương tiện quản lý cung tiền. Thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng là điều bình thường khi một số ngân hàng báo cáo lãi suất huy động giảm 10 - 20 điểm cơ bản.

Mặc dù vậy, lãi suất trong nước có thể biến động nếu diễn biến thị trường toàn cầu tiếp tục biến động, đặc biệt trong trường hợp USD tăng và lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm lập kỷ lục mới.

Với những thách thức về lãi suất cao hơn và Trung Quốc chưa có động thái mới, các nền kinh tế toàn cầu, bao gồm Việt Nam cần thêm thời gian để phục hồi. Sự kết hợp của các áp lực bên ngoài lên tiền đồng, kết hợp với mức tăng lạm phát cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với tháng trước trong tháng 9, cho thấy những thay đổi trong chính sách tiền tệ của NHNN sẽ ở mức tối thiểu, nhà quản lý quỹ hàng đầu Việt Nam phân tích.

Xét đến những yếu tố trên, Dragon Capital điều chỉnh dự báo 2023 của mình. Trong đó, tăng trưởng GDP cả năm hạ xuống mức 5%, trước khi kỳ vọng trở lại quỹ đạo tăng trưởng dài hạn 6 - 6,5% trong 2024, nhờ lợi ích từ các hiệp định kinh tế và ngoại giao gần đây. 

 Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam. (Nguồn: Dragon Capital).

Về chứng khoán (TTCK) Việt Nam, thị trường trải qua tháng 9 đầy thách thức. Sau khi vươn lên đỉnh 1.245,5 trong tuần đầu tiên, VN-Index bị chốt lời mạnh khi chịu áp lực cả trong nước và quốc tế.

Nhịp điều chỉnh của thị trường được kích hoạt bởi việc Fed đưa ra ý kiến rằng có thể sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất hơn trong tương lai để chống lạm phát. Kết quả là lợi suất trái phiếu tăng vọt phá vỡ ngưỡng kháng cự 15 năm trong khi lãi suất thị trường đã cố gắng bắt kịp câu chuyện 'cao hơn trong thời gian dài hơn'. TTCK ngay lập tức chứng kiến lực bán của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên khi DXY mạnh lên.

Trong tháng 9, khối ngoại bán ròng 185 triệu USD trên sàn HOSE, tăng 72,9% so với tháng trước, trong khi Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc chứng kiến dòng vốn chảy ra lần lượt 616 triệu USD, 263 triệu USD và 1,7 tỷ USD.

Trong bối cảnh vĩ mô như trên, chứng khoán Việt Nam có tương quan chặt chẽ với chứng khoán Mỹ. Ngoại trừ nhóm năng lượng, các ngành đều giảm điểm trong tháng 9 do các nhà đầu tư trong nước lo ngại việc nới lỏng tiền tệ trong nước không thể duy trì được và đã chọn hạn chế rủi ro.

Tâm lý thị trường không được hỗ trợ do hoạt động phát hành tín phiếu của NHNN và một số công ty chứng khoán cắt giảm cho vay ký quỹ (margin), dẫn đến khối lượng giao dịch giảm vào cuối tháng 9.

Nhóm cổ phiếu bất động sản diễn biến tiêu cực nhất sàn HOSE khi giảm 15,6% so với tháng trước. Theo đánh giá của Dragon Capital, nguyên nhân đến từ một nhà phát triển lớn tiếp tục gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu trái phiếu, vốn không thể giải quyết trong ngắn hạn. Thứ hai, các nhà đầu tư bắt đầu thay đổi từ câu chuyện quay vòng vốn được thúc đẩy bằng hỗ trợ chính sách như trước, mà hướng tới chất lượng tài sản tốt hơn và khả năng đem về thu nhập rõ ràng hơn.

Mặt khác, theo quan sát của Dragon Capital, kết quả kinh doanh quý III sơ bộ thấp hơn dự kiến. Lĩnh vực ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng nhưng nợ xấu được dự báo sẽ giảm từ quý IV sau đạt đỉnh vào quý III. Các doanh nghiệp có vay nợ nước ngoài gặp lỗ tỷ giá do đồng Việt Nam giảm giá. Điểm sáng là lĩnh vực bán lẻ, chứng khoán, thép và hóa chất có thể tăng trưởng so với quý II.

Với việc Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và điều kiện kinh tế toàn cầu đang yếu, đơn vị quản lý quỹ dự đoán sẽ có nhiều biến động cả trên toàn cầu và trong nước. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tiền tệ của Việt Nam sẽ được duy trì. Hệ thống theo dõi lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi và lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của Dragon Capital vẫn chưa có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm nào.

Do đó, nhà phần tích của Dragon Capital nhận định sau khi kết quả kinh doanh quý III được công bố và tình hình kinh tế toàn cầu ổn định, VN-Index sẽ trở lại xu hướng tăng. 

 

Xuân Nghĩa