Chuyên gia Dragon Capital: Số liệu chưa phản ánh thực tế đầu tư công, con số thực còn cao hơn nữa
Tại tọa đàm "Chủ động đón vận hội mới" tổ chức ngày 14/9, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá về tác động của chính sách tài khóa. Ông cho hay các dự án đầu tư công đã hoàn thành đang đóng góp trực tiếp lại cho nền kinh tế khi giúp giảm chi phí vận hành, chi phí logistics,
Đánh giá chung, ông cho rằng chính sách tài khóa từ đầu năm đến nay chủ động và kịp thời, có hiệu lực và tác động thực sự đến nền kinh tê. Trong bối cảnh bên ngoài không thuận lợi, xuất nhập khẩu giảm kéo tổng cầu giảm, chính sách tài khóa thực hiện hiệu quả là yếu tố vô cùng quan trọng giúp kinh tế đạt mức tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm.
TS. Nguyễn Tú Anh cũng lý giải vì sao Việt Nam không thể thực hiện chính sách tài khóa hào phóng như các nước đã làm trong giai đoạn COVID do nguồn thu của chính sách tài khóa bắt đầu có dấu hiệu không đạt như mong muốn. Ví dụ trong 7 tháng đầu năm thu qua cơ quan thuế giảm 5,5% so với cùng kỳ. giảm nhiều nhất là khoản thu từ đất, thu từ thuế và phí giảm 1,4%.
“Trong bối cảnh hiện nay, cần thận trọng trong điều hành vĩ mô. Khi thực hiện chính sách tài khóa vừa phải hỗ trợ nền kinh tế, vừa phải giữ được ổn định vĩ mô”, ông nói.
Cũng tại tọa đàm, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối chứng khoán Dragon Capital nhận định đầu tư công và chính sách tiền tệ sẽ quyết định thúc đẩy tăng trưởng cuối năm.
Ông Tuấn cho rằng số liệu chưa phản ánh thực tế đầu tư công, con số thực còn cao hơn nữa. Nhiều công trình khởi công cách đây nhiều năm, xây dựng được 2/3 thì tạm dừng, đến nay khởi động lại và trong khoảng vài tháng đã hoàn thành. Đáng chú ý, tiến độ xây dựng dự án đường sắt metro ở TP HCM khá ấn tượng.
Nhiều chuyên gia cũng chung quan điểm động lực tăng trưởng những tháng cuối năm đến từ đầu tư công, đây là yếu tố khơi thông các động lực khác của nền kinh tế, nhất là bất động sản hay xây dựng.
Trong năm nay, tổng giá trị vốn đầu tư công cần giải ngân là khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương hơn 33 tỷ USD. Ước tính đến tháng 8 đã giải ngân được gần 50%, tương đương còn khoảng 16,5 tỷ USD chưa giải ngân trong 4 tháng cuối năm.
Tại hội thảo mới đây, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research nhận định lượng vốn này sẽ tạo ra sức cầu rất tốt cho nền kinh tế, đầu tư công là vốn mồi hỗ trợ cho các ngành nghề, lĩnh vực khác. Chính vì vậy, trong năm nay mặc dù tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu như Chính phủ kỳ vọng nhưng vẫn ở mức khoảng 5-5,5%, tốt hơn nhiều các nền kinh tế trong khu vực.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, chưa khi nào Chính phủ quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay. Sau khi giải toả được yếu tố "sợ trách nhiệm" của các địa phương, có vẻ như giải ngân vốn đầu tư công ngày càng thuận lợi.
Các vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế đang được Chính phủ tích cực tháo gỡ với quyết tâm rất lớn. Chính phủ còn dự kiến đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bằng việc kiểm soát lại toàn bộ mỏ vật liệu của các tỉnh.