Thái Nguyên: Sẽ kiểm điểm trách nhiệm đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp
Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 dự án FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng số vốn hơn 162 triệu USD; cấp điều chỉnh tăng vốn cho 10 dự án FDI với tổng số vốn tăng thêm 72,8 triệu USD, tăng vốn cho 2 dự án trong nước với tổng số vốn tăng thêm 919 tỷ đồng.
Đối với các dự án đầu tư công, ước lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng 9/2023 của toàn tỉnh đạt trên 4.100 tỷ đồng, bằng 47,2% kế hoạch vốn giao...
Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, đối với các dự án đầu tư công, việc lập, phân bổ vốn đầu tư công đảm bảo đúng quy định. Các dự án, công trình trọng điểm đảm bảo bố trí đủ vốn, thi công đạt tiến độ đề ra như: Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; dự án phát triển đô thị động lực thành phố Thái Nguyên; dự án Sân vận động Thái Nguyên; dự án đường Vành đai V vùng thủ đô Hà Nội đoạn Phú Bình - Bắc Giang...
Đối với dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhiều dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp được thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra, được thuê đất và đang triển khai thi công xây dựng như: Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Cụm công nghiệp Tân Phú 2, thành phố Phổ Yên; Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương, huyện Phú Bình... Một số dự án có quy mô vốn lớn như: Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc (thành phố Thái Nguyên). Dự án Khu đô thị Phú Bình 1, Khu đô thị Phú Bình 2, (huyện Phú Bình)... đã lựa chọn được chủ đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất...
Tuy vậy, các cơ quan chức năng đánh giá, quá trình triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn gặp một số khó khăn. Trong lĩnh vực đầu tư công, việc tính toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ khái toán, chưa tính toán hết và không bám sát thực tế.
Ngoài ra khoảng thời gian từ khi khảo sát lập quy hoạch, quyết định chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, đăng ký kế hoạch sử dụng đất đến khâu cấp có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất mất nhiều thời gian. Do đó, làm ảnh hưởng đến công tác kiểm đếm, đo đạc, phát sinh tăng chi phí bồi thường, tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, nguồn cung cấp các loại vật liệu chính phục vụ thi công: đất đắp, đá xây dựng, cấp phối đá dăm... còn hạn chế, dẫn đến việc thi công san lấp và các công tác khác không đảm bảo tiến độ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Đối với dự án ngoài ngân sách, các dự án thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất gặp khó khăn trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Một số dự án trong khu công nghiệp, mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có mặt bằng tuy nhiên do có vướng mắc về thẩm quyền cho thuê đất, giá thuê đất và hạ tầng nên chưa ký được hợp đồng thuê đất, chưa thực hiện được các thủ tục về xây dựng...
Trước thực tế này, đối với các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng theo hướng chủ động, linh hoạt, công khai, minh bạch, đúng quy định, đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ làm vật liệu thông thường phục vụ thi công các công trình, dự án.
Các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu các chủ đầu tư cam kết về tiến độ giải ngân, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra chậm trễ trong việc giải ngân và thanh toán vốn đầu tư công.
Đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp đồng bộ với các sở, ngành đồng hành cùng các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chủ động nắm bắt những khó khăn vướng mắc nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, an ninh, trật tự... Tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát lập dự án, đề xuất dự án đảm bảo phù hợp quy định, đồng bộ thống nhất về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và các lĩnh vực khác liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra để đảm bảo việc giải ngân theo kế hoạch. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và các cá nhân có liên quan trong trường hợp đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30/9/2023 đạt dưới 50% kế hoạch vốn được giao trong năm nay.