Chứng khoán An Bình (ABBS) hoàn tất tăng vốn 2,5 lần lên 1.000 tỷ đồng
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận kết quả chào bán và phát hành cổ phiếu trả cổ tức của CTCP Chứng khoán An Bình (ABS).
Theo đó, vốn điều lệ công ty chứng khoán này đã tăng gấp 2,5 lần, từ mức 397 tỷ đồng lên 1.000 tỷ sau đợt phát hành. Đây là phương án tăng vốn đã được cổ đông ABS thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra vào tháng 4 trước đó.
Cụ thể, ABS đã chào bán hơn 56,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ ngày 28/7 đến ngày 24/8 với giá 10.000 đồng/cp, thu về hơn 563,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành 3,97 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ thực hiện 10%. Nguồn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến hết 31/12/2020 đã được kiểm toán. Ngày dự kiến chuyển giao cổ phiếu là ngày 6/9 tới đây.
Sau 2 đợt phát hành cổ phiếu kể trên, vốn điều lệ của ABS đã được bổ sung thêm hơn 600 tỷ đồng và chính thức vượt mức nghìn tỷ.
Sau đợt phát hành, Tập đoàn Geleximco - cổ đông lớn nắm 43,5% vốn tại ABS đã gia tăng tỷ lệ sở hữu lên 46,36%, tương đương mức tăng từ 18,99 triệu đơn vị lên 46,37 triệu đơn vị. Theo tìm hiểu, ngoài ABS, Geleximco còn nắm giữ vốn tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - Mã: ABB) và Công ty Quản lý quỹ An Bình (ABF).
Theo sau, hai cổ đông cá nhân lớn là bà Vũ Thị Thu Hường và ông Vũ Đức Chính cũng tăng tỷ lệ sở hữu từ mức 9,57% và 5,2% lên 10% vốn sau phát hành.
Bên cạnh Chứng khoán An Bình, Chứng khoán Đà Nẵng (Mã: DSC) đã hoàn tất tăng vốn từ 60 tỷ lên 1.000 tỷ đồng vào đầu tháng 8, còn Chứng khoán HDB (HDBS) đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 27/8 để phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 310 lên 1.023 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán là nhằm mục đích củng cố tiềm lực tài chính, mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh.
Trở lại với ABS, công ty báo lãi sau thuế đến hết quý II đạt hơn 51,19 tỷ đồng, tăng gần 6 lần cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức lợi nhuận cả năm 2020.
Giái thích về sự tăng trưởng này, ABS cho rằng thị trường cơ sở tăng mạnh là yếu tố chính giúp doanh thu thuần nửa đầu năm tăng gần 2,4 lần so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp được kiểm soát tốt, chỉ tăng 15,7% so với cùng kỳ cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp gia tăng biên lợi nhuận.
Nguồn thu chủ yếu của ABS đến từ nghiệp vụ môi giới (46 tỷ đồng), nghiệp vụ bảo lãnh và phát hành chứng khoán (gần 59 tỷ đồng) và lãi từ các khoản cho vay và phải thu (gần 31 tỷ đồng).