Chưa thể kỳ vọng xuất khẩu thuỷ sản có cú bật mạnh trong những tháng còn lại của năm
Tín hiệu tích cực xuất hiện
Xuất khẩu thuỷ sản đang dần xuất hiện những tín hiệu tích cực. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 846 triệu USD, tăng 9% so với 7 đồng thời là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Nếu so với mức nền cao của năm ngoái, số liệu của tháng 8 thấp hơn 15% tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng.
Xuất khẩu tôm tuy chưa đột phá nhưng 4 tháng gần đây có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm. Sự khởi sắc thể hiện rất rõ rệt ở thị trường Mỹ, khi mà doanh số tăng liên tục qua các tháng. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tín hiệu tăng từ tháng 3 nhưng không duy trì được đà tăng liên tục.
Với mặt hàng cá tra, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 170 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm này đã thu hẹp so với các tháng trước đó (các tháng 5,6,7 ghi nhận giảm 23-36%). Trong đó, xuất khẩu sang một số thị trường ngách như Arab Saudi, Brazil, Colombia…tăng trưởng hai con số, cao nhất là 79%. Điều này giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm kim ngạch từ những thị trường truyền thống như Trung Quốc & Hồng Kông, Mỹ, EU, CPTPP….
Hoạt động xuất khẩu thuỷ sản trong những tháng còn lại của năm được kỳ vọng sẽ dần khởi sắc khi tồn kho của các nhà nhập khẩu cạn dần.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký VASEP cho biết tại Trung Quốc hàng tồn kho không còn nhiều và nhu cầu người tiêu dùng đã bị “nén” quá lâu sau thời gian COVID-19. Giờ đã đến lúc người tiêu dùng tiêu thụ thuỷ sản trở lại, nhất là mùa lễ hội. Ngoài ra, vấn đề tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ/USD tại thị trường cũng đã ổn định, do đó các nhà nhập khẩu cũng trở nên yên tâm hơn.
Tại Mỹ, vừa qua, Văn phòng Đăng ký liên bang (Federal Register) đã có kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính thuế bán phá giá lần thứ 19 cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào Mỹ, giai đoạn 1/8/2021 - 31/7/2022.
Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam là bị đơn bắt buộc gồm CTCP Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn Corp) và CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) được hưởng mức thuế lần lượt là 0 USD/kg và 0,14 USD/kg.
Các doanh nghiệp khác cũng hưởng thuế 0,14 USD/kg là I.D.I CORP, CTCP Thủy sản Cafatex, CTCP Thủy sản Lộc Kim Chi và CTCP Hùng Vương.
VASEP đánh giá mùa lễ hội cuối năm, tồn kho giảm dần, kết quả tích cực sau đợt thanh tra của FSIS sẽ tạo tâm lý tích cực cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm.
Sức bật có thể không quá lớn
Mặc dù xuất khẩu thuỷ sản được kỳ vọng nhiều vào những tháng cuối năm, tuy nhiên, sức bật của hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất sẽ không quá mạnh do áp lực cạnh tranh còn lớn.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) cho biết thị trường tôm đang ấm dần và dự kiến sẽ tích cực hơn vào cuối năm khi mùa lễ hội đến gần. Bên cạnh đó, nguồn cung tôm dự kiến cũng giảm do người dân ít thả hơn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới do giá thấp.
“Các nhà nhập khẩu ít lựa chọn hơn trong khi họ đang cần mua trở lại để tích trữ cho giai đoạn cuối năm. Xu thế tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm là giai đoạn lễ hội, nhu cầu mảng ăn uống tại các nhà hàng tăng cao và tôm chế biến - vốn là thế mạnh của Việt Nam, sẽ được hưởng lợi”, ông Lực nói.
Tuy nhiên, theo ông Lực dù doanh nghiệp vẫn nhận được đơn hàng từ các thị trường nhưng không quá mạnh. Tại Mỹ, tôm giá rẻ Ecuador xâm lấn quá sâu với số lượng lớn, gây sức ép lên giá tôm của Việt Nam. Giá tôm Việt Nam thậm chí có thời điểm chỉ còn cao hơn tôm tôm Ecuador một vài phần trăm mặc dù là hàng chế biến sâu.
Tại Nhật Bản, Việt Nam vẫn giữ vị thế đứng đầu do người tiêu dùng quốc gia này ưu tiên chọn hàng chế biến nhưng thời gian qua đồng Yên giảm sâu. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải giảm giá bán để chia sẻ với đối tác.
Còn với thị trường châu Âu, Việt Nam đứng số 2 về thị phần nhưng khoảng cách còn quá xa so với Ecuador vì giá bán. Trong bối cảnh lạm phát, người tiêu dùng khu vực này ưu tiên dùng hàng giá rẻ.
Do đó, ông không quá kỳ vọng vào một kịch bản tăng trưởng mạnh.
“Tình hình cuối năm có thể tăng trưởng nhưng sẽ không ở mức cao như ý. Tôi kỳ vọng xuất khẩu tôm của Việt Nam trong cả năm 2023 có thể thu hẹp mức giảm 28% trong 8 tháng xuống còn khoảng 15%”, ông Lực nói.
Việc tỷ giá đồng VND/USD thời gian qua tăng mạnh được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung hưởng lợi. Tuy nhiên, theo ông Lực nhận định này chưa chắc đúng bởi một số doanh nghiệp thuỷ sản vay USD với lãi suất 2-4%/năm ở thời điểm lãi đồng VND tăng cao. Do đó, việc tỷ giá tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn của các doanh nghiệp.
Còn với mặt hàng cá tra, VASEP nhận định nửa cuối năm 2023, tỷ lệ sụt giảm sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho rằng tình hình tiêu thụ cá tra của quý III vẫn khó khăn. Giá cá tra xuất khẩu thấp kéo theo tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm lợi nhuận ở các doanh nghiệp.
Nhận định này của bà được đưa ra tạiHội thảo Quốc tế Ngành Cá tra diễn ra hồi cuối tháng 8.
Theo bà Hằng, tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất cá tra có thể đạt 1,7 tỷ USD, giảm 30% so với năm 2022.
Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thuỷ sản Trường Giang cho rằng các doanh nghiệp cần cố gắng vượt qua 5 tháng còn lại của năm 2023 trước khi bước vào giai đoạn ổn định hơn năm 2024.
Giải pháp cần thiết hiện tại là giảm tồn kho và giảm sản lượng nuôi trồng, đánh bắt vào quý II/2024. Thời gian qua, do nhu cầu xuất khẩu hiện vẫn giảm sút nên cá dưới ao vượt quá trọng lượng tiêu chuẩn là 900 gram - 1 kg lên 1,5 kg. Điều này khiến lượng tồn kho thời gian tới sẽ càng tăng thêm, kéo theo dòng tiền của doanh nghiệp tắc nghẽn.
"Đến lúc này các doanh nghiệp ngành cá tra nên ngồi lại với nhau để cân đôi lại mùa vụ cho năm sau, có thể thu hoạch vào quý II/2024. Mỗi doanh nghiệp có một biện pháp riêng nhưng tổng thể là giảm mật độ nuôi, tránh dịch bệnh, tăng trọng lượng nhanh và hệ số chuyển đổi thức ăn cho 1 kg cá (FCR) thấp, giúp giá thành nuôi cá tra thấp", ông Văn nói.