Chưa có thông tin chính xác về số chuyến bay bị tạm ngừng giữa Việt Nam - Trung Quốc
Tiếp tục thông tin về các giải pháp của Bộ Giao thông Vận tải về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra, tối 30/1, trao đổi với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần.
Trong khi đó có 3 hãng hàng không của Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) cũng từ 5 thành phố gồm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.
Như vậy, theo số liệu trên, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TTXVN tối 30/1, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, số chuyến bay trên là tính toán trung bình trước khi chưa bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona tại Vũ Hán (Trung Quốc).
Bởi sau khi có dịch này, việc đi lại của người dân Trung Quốc cũng bị hạn chế. Thậm chí nhiều người dân đã hủy các chuyến đi nước ngoài nên chắc chắn số chuyến bay giữa 2 nước sẽ bị giảm mạnh.
Về con số các chuyến bay cụ thể đã bị hủy giữa Việt Nam và Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho hay chưa nắm được chính xác số chuyến bay đã bị tạm ngừng giữa hai nước.
Giải thích thêm về Chỉ thị ngày 30/1 của Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không chủ động điều chỉnh kế hoạch bay, tạm ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam; không thực hiện các chuyến bay thường lệ và không đề nghị cấp phép bổ sung cho các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc…
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho hay, việc ngừng tất cả chuyến bay chỉ áp dụng cho vùng đã công bố dịch, cụ thể là Vũ Hán (Trung Quốc) chứ không phải toàn lãnh thổ Trung Quốc.
Còn các tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc chưa công bố dịch thì các chuyến bay vẫn diễn ra bình thường.
“Như vậy có thể hiểu là khi Trung Quốc công bố ở đâu (tỉnh, thành phố) nào có dịch thì khi đó Việt Nam sẽ ngừng cấp phép và yêu cầu các hãng hàng không không được bay đến vùng đó và ngược lại.
Ngoài ra, nếu một nước nào đó công bố dịch bệnh này tại các tỉnh, thành phố của họ thì Chỉ thị của Cục Hàng không Việt Nam cũng được áp dụng”, ông Võ Huy Cường cho hay.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại diện Vietnam Airlines và Jetstar Pacific khẳng định 2 Hãng không có đường bay thẳng đến, đi từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi xuất phát của dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona.
Các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc của hai hãng vẫn đang được khai thác bình thường.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng thừa nhận, nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona từ những người qua đường mòn, đường bộ qua biên giới là khó kiểm soát hơn nhiều.
Trước đó, ngày 29/1/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Chỉ thị hỏa tốc về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan liên quan chỉ đạo các đơn vị vận tải hành khách triển khai thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch cho các hành khách trên các phương tiện vận tải.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu (đường bộ, đường thủy, đường hàng không), nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt, ho, khó thở) tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và có các phương án đáp ứng hiệu quả phù hợp với tình hình dịch…