|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch VNREA: ‘Khó khăn của thị trường BĐS sẽ không chấm dứt nhanh chóng, có thể kéo dài đến 2021’

15:56 | 01/07/2019
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Trần Nam, thị trường BĐS Việt Nam đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn và sẽ không nhanh chóng chấm dứt được. Tình trạng này có thể tiếp tục hết năm nay, có khi kéo dài đến năm 2021.

Tại Hội thảo "Môi giới bất động sản Việt Nam – chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế" mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, thị trường bất động sản (BĐS) đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn và sẽ không nhanh chóng chấm dứt.

IMG_9299 (2)

Chủ tịch VNREA dự báo, tình hình khó khăn hiện tại của thị trường BĐS có thể kéo dài đến năm 2021. (Ảnh: Hiếu Quân)

"Tình trạng này có thể tiếp tục hết năm nay, có khi kéo dài đến khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XIII vào năm 2021. Chúng ta cần dự tính trước như thế để có phương án thích nghi, ứng phó", ông Nguyễn Trần Nam nói.

Chủ tịch VNREA chỉ rõ, Luật Nhà ở năm 2014 đã bỏ điều khoản bắt buộc các hàng hóa BĐS phải bán qua sàn, nhưng sau đó các sàn giao dịch và công ty môi giới lại càng ngày càng phát triển.

Về bối cảnh quốc tế, chiến tranh thương mại, căng thẳng ở Trung Đông và căng thẳng lợi ích giữa các nước lớn với nhau làm giảm dòng vốn luân chuyển trên toàn cầu, giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và giảm hoạt động thương mại.

Trong khi đó, ở trong nước năm nay đặt mục tiêu ổn định kinh tế, chống lạm phát, việc phát triển kinh tế chỉ được xếp là mục tiêu thứ hai. Điều này ảnh hưởng nhất định đến thị trường BĐS.

"Từ quý III/2018 trở về trước năm 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm. Đến quý IV/2018 – I/2019 thì tốc độ tăng trưởng âm, dòng tín dụng vào BĐS ngày càng thắt chặt. Dự kiến, nguồn tín dụng này sẽ còn giảm nữa bởi dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, sẽ đưa vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tiếp tục giảm, từ 60% xuống 40% rồi, giờ sẽ giảm xuống 30% nữa", ông Nam dự báo.

Ngân hàng Nhà nước còn đề xuất kiểm soát chặt chẽ khoản vay chi tiêu dùng vào BĐS có giá trị 3 tỉ đồng trở lên, bằng cách tăng hệ số rủi ro từ 50% đến 150%.

Cá nhân Chủ tịch VNREA cho biết đang kiến nghị lộ trình dài hơn để thị trường BĐS ít bị biến động đột ngột.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, rà soát thực hiện các quy định về đất đai, quy hoạch đang diễn ra ở hầu hết các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM (Thủ Thiêm vừa công bố Kết luận Thanh tra Chính phủ ban đầu và bắt đầu xử lý), Đà Nẵng (còn chưa có Kết luận) và nhiều tỉnh thành khác như Nha Trang, Cần Thơ, Phú Quốc…

Theo ông Nam, thị trường BĐS năm nay chỉ có một điểm sáng là BĐS du lịch.

Còn phân khúc BĐS công nghiệp không nằm trong guồng quay này. Do hưởng lợi từ chiến thanh thương mại Mỹ - Trung nên vốn đầu tư nước ngoài vào BĐS 6 tháng đầu năm tăng đột biến, nhu cầu về BĐS công nghiệp tăng rất mạnh.

"Năm nay, thị trường BĐS không phải suy thoái nhưng cũng bước vào giai đoạn khó khăn trong việc triển khai các dự án. Tuy nhiên, năm nay khác khủng hoảng của giai đoạn 2010 – 2011. Thời điểm năm 2010 là khủng hoàng thừa hàng hóa, khi đó thị trường rất mất lòng tin, người dân quay lưng, không mua bán, giao dịch BĐS và các nhà phát triển, môi giới lâm vào cảnh suy thoái, chán nản.

Nhưng năm nay, tôi cảm nhận, các nhà phát triển, các công ty môi giới, những đơn vị làm ăn liên quan đến thị trường BĐS lại hoạt động rất mạnh mẽ, chủ động, không thoái chí hay chán nản, truyền thông, người dân vẫn tiếp tục quan tâm rất mạnh đến thị trường BĐS", ông Nam đánh giá.

Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhìn nhận, thị trường BĐS hiện đang có phần tĩnh lại, nhưng không có lý gì sẽ rơi vào tĩnh lặng như hồi năm 2011 do chưa có dấu hiệu của "bong bóng".

"Có lẽ chỉ có vướng mắc ở chỗ kiện toàn hệ thống pháp luật – đặc biệt là pháp luật về BĐS du lịch, hay BĐS nhà ở giữa Luật Đất đai với một số luật khác liên quan… Tôi nghĩ từ nay đến hết 2019, câu chuyện pháp luật và câu chuyện hạn chế tín dụng vào BĐS sẽ vượt qua, giải quyết được", GS. Đặng Hùng Võ lạc quan.

Theo GS, chính sách của Ngân hàng Nhà nước về hạn chế tín dụng có thể tạo an toàn cho thị trường tín dụng, nhưng đã vào thị trường thì không có thị trường nào giữ được thật an toàn – vì thật an toàn sẽ không còn là thị trường nữa.

Thị trường BĐS cũng cần hạn chế dần việc phụ thuộc vào nguồn tín dụng từ ngân hàng, phải tìm cách huy động vốn ở nhiều nguồn hơn nữa, ví dụ như từ thị trường chứng khoán…

"Việt Nam cũng đã phá rào cho hoạt động mua bán nhà ở hình thành trong tương lai – huy động vốn từ người mua nhà ngay từ khi dự án đang triển khai. Đây chính là cách giải quyết vấn đề vốn khi thị trường còn đang eo hẹp", GS. Võ ý kiến.

Hiếu Quân