|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch VCCI: 'Vinfast hay những doanh nghiệp kinh tế mũi nhọn đều cần cơ chế hợp tác công tư để phát triển'

16:56 | 12/03/2019
Chia sẻ
Theo Chủ tịch VCCI, như trường hợp Vinfast hay các doanh nghiệp trong những ngành kinh tế mũi nhọn khác, muốn phát triển thì cần có cơ chế hợp tác theo hình thức đối tác công tư. Nhiều lĩnh vực quan trọng (như cơ sở hạ tầng), nhà nước muốn làm cũng cần kéo tư nhân vào làm cùng.

Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2019 với chủ đề: "Bứt phá từ những động lực tăng trưởng", đánh giá về vai trò của việc hợp tác công tư, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng những doanh nghiệp lớn muốn phát triển thì chắc chắn cần đến vai trò của nhà nước.

"Như trường hợp Vinfast hay các doanh nghiệp trong những ngành kinh tế mũi nhọn khác, muốn phát triển thì cần có cơ chế hợp tác theo hình thức đối tác công tư. Nhiều lĩnh vực quan trọng (như cơ sở hạ tầng), nhà nước muốn làm cũng cần kéo tư nhân vào làm cùng thì mới phát triển tốt được. Theo tôi, nhà nước nên rút khỏi thị trường, chỉ làm vai trò quản lý thôi, nhà nước nên là bệ đỡ cho kinh tế phát triển", TS. Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Chủ tịch VCCI: Vinfast hay những doanh nghiệp kinh tế mũi nhọn đều cần cơ chế hợp tác công tư để phát triển - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2019 với chủ đề: "Bứt phá từ những động lực tăng trưởng".

Ngay tại hội thảo, TS. Lộc làm một cuộc khảo sát nhỏ với các doanh nghiệp tư nhân đang tham dự sự kiện. Kết quả cho thấy, 54% doanh nghiệp coi khó khăn về thị trường không phải là rào cản lớn nhất mà chính là thủ tục hành chính; dù vậy có 68% chủ doanh nghiệp cho biết vẫn muốn tiếp tục mở rộng kinh doanh trong tương lai.

Chủ tịch VCCI nhận định, kết quả khảo sát này khá tương đồng với kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro). Theo khảo sát của Jetro, trong tổng số 787 công ty Nhật đang hoạt động tại Việt Nam có 70% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh.

Con số tương ứng (kế hoạch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp Nhật) ở Trung Quốc chỉ khoảng 40%, còn ở các nước ASEAN khoảng 50 – 60%. Như vậy có thể thấy, dù có những vướng mắc nhất định về thể chế thì cơ hội kinh doanh ở Việt Nam vẫn rất nhiều và nước ta vẫn đang là một trong những nền kinh tế có sức hút doanh nghiệp ngoại hàng đầu thế giới.

Ghi nhận kết quả khảo sát nói trên, TS. Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu đổi chiều, cứ 5 năm lại có mức tăng trưởng chậm hơn so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Ông nói: "Nhiều năm nay, chúng ta cứ cải cách thể chế mãi, nhưng nhược điểm lớn nhất là cải cách không đồng bộ, sửa đổi đầu này lại không ổn đầu kia. Nguyên nhân do tư duy quản lý kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn là tư duy từ hồi nền kinh tế hoạch hóa trước đây, vì vậy trước tiên chúng ta phải thay đổi thành tư duy kinh tế thị trường".

Chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh một số vấn đề như cần xác định lại va trò của nhà nước: nhà nước làm gì, còn lại để doanh nghiệp làm; cần cải cách hành chính: đây là khâu đầu tiên cần phải bàn, nếu vẫn tư duy kinh tế ở cấp độ tỉnh, địa phương thì không thể phát triển được; nên hành chính công hiện nay còn lồng ghép, chưa phân biệt rõ phạm vi trách nhiệm của trung ương và địa phương…

"Chúng ta phải tạo môi trường cho tư nhân phát triển để doanh nghiệp làm ăn lành mạnh có thể sống được. Nếu để các nhóm dựa vào quan hệ cơ chế phát triển hơn thì những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng sẽ không còn đất sống. Hiện Chính phủ vẫn đang tiếp tục tập trung cải cách đồng bộ về thể chế", ông Lịch đánh giá.

Nhìn nhận kinh tế tư nhân như hai mặt của đồng xu, TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright nhận định, tất cả các nước đã phát triển thịnh vượng hiện nay đều có trụ cột là kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân cũng gây ra những trục trặc khi mà tất cả các cuộc khủng hoảng tài chính đều do kinh tế tư nhân gây ra (vì chạy theo lợi nhuận trước mắt…).

TS. Du nói: "Ở Việt Nam cũng vậy, kinh tế tư nhân tạo ra lợi ích nhóm thông qua quan hệ thân hữu. Việc kinh tế tư nhân không được coi trọng thể hiện cơ cấu kinh tế của ta có nhiều vấn đề. Trong cơ cấu GDP của Việt Nam từ năm 2005 đến nay, kinh tế tư nhân chỉ chiếm khoảng 10% GDP, mà số này cũng chỉ tính các doanh nghiệp đăng ký chính thức chứ chưa tính các hộ gia đình cá thể (số doanh nghiệp tư nhân đăng ký khoảng 700.000 doanh nghiệp)".

Có một điểm nghịch lý là bộ phận làm ăn tốt nhất ở Việt Nam trong hơn một năm qua chính là nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi, kinh tế tư nhân đang có vai trò vô cùng khiêm tốn trong việc tạo nguồn thu ngân sách. Tương tự, khu vực tạo việc làm tốt nhất cũng là nhóm có vốn FDI.

Theo TS. Du, từ khi mở cửa, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế rất lớn, nhưng mặt trái là một số doanh nghiệp dùng tiền ngân hàng để đầu cơ. Hiện nay chỉ có một vài doanh nghiệp tạo được giá trị và sự cạnh tranh, còn không ít doanh nghiệp nước ngoài thì nhìn theo hướng ngắn hạn: nơi nào tạo được lợi nhuận thì đến, hết thì chuyển đi. Ở vai trò quản lý, nhà nước cần lưu ý những doanh nghiệp lớn lên bất thường và có các khoản đầu tư ra ngoài. Đặc biệt, theo chu kỳ kinh tế 10 năm thì năm 2019 là một năm nhạy cảm và cần lưu ý nhiều hơn.

Kinh tế tư nhân bứt pháKinh tế tư nhân bứt phá Thủ tướng: Sẽ kiểm tra việc phát triển kinh tế tư nhânThủ tướng: Sẽ kiểm tra việc phát triển kinh tế tư nhân Định vị lại vai trò kinh tế tư nhânĐịnh vị lại vai trò kinh tế tư nhân


Hiếu Quân