|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế tư nhân bứt phá

08:10 | 11/02/2019
Chia sẻ
Biết cách tạo ra lực lượng, các tập đoàn tư nhân lớn làm trụ cột, còn khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nền tảng. Theo cách đó, Việt Nam sẽ đi theo đúng quỹ đạo của một quốc gia hùng cường
kinh te tu nhan but pha
Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

Coi kinh tế tư nhân là một trong những trọng tâm đột phá, năm 2019 Chính phủ sẽ đồng hành và hỗ trợ, tạo ra một "sân chơi" lớn hơn để các doanh nghiệp lớn tham gia đóng góp cho nền kinh tế, thúc đẩy các doanh nghiệp khác phát triển.

Đầu năm mới, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, xoay quanh chủ đề này.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp dẫn đầu chuỗi

Hội nghị T.Ư 5 khóa XII ban hành Nghị quyết "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, song để bứt phá trong năm 2019, theo ông đâu là động lực?

kinh te tu nhan but pha
PGS-TS Trần Đình Thiên

Câu chuyện đến nay không phải chỉ còn là kinh tế tư nhân nữa, mà vấn đề tập trung cho lực lượng nào. Để bứt phá được phải có cách tư duy về lực lượng kinh tế tư nhân. Khái niệm lực lượng rất khác, chúng ta cần tạo ra những nhóm doanh nghiệp (DN) khác nhau, đóng vai trò khác nhau. Phải tập trung vào từng chức năng, đây là một trong những việc lâu nay ta hay nói, hay hô hào hỗ trợ DN vừa và nhỏ nhưng như thế không đủ mà cần phải có các DN tư nhân làm trụ cột. Bởi họ không chỉ có vai trò dẫn dắt mà còn kết nối DN nhỏ và vừa. Ta có các tập đoàn tư nhân lớn thì thách thức cho DN VN lớn hơn, rõ ràng hơn. Nếu chỉ có hỗ trợ DN nhỏ và vừa không thì khó lớn lắm.

Vingroup, Thaco, Sun Group, VietJet Air đều là những DN tư nhân lớn, ông nghĩ gì về vai trò của họ trong việc thúc đẩy tăng trưởng cũng như đổi mới của nền kinh tế VN?

"Nhà nước hay tư nhân đều phải bình đẳng, ông làm được những việc mà nhà nước cần thì ông phải tạo điều kiện hỗ trợ. Hỗ trợ theo kiểu thị trường cho nó sân chơi, cạnh tranh, anh nào làm tốt thì được thưởng"

Sự nổi lên của một số tập đoàn tư nhân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó không chỉ cho thấy thực lực của nền kinh tế Việt tăng lên mà còn gợi cho chúng ta một cách tư duy mới về sự phát triển của lực lượng DN trong nước. Ta kỳ thị tư nhân nhiều rồi, lúc nào cũng chỉ DN nhà nước. Sau khủng hoảng dù cho kinh tế tư nhân là động lực hồi sinh nền kinh tế, chúng ta vẫn mặc kệ công lao của khối này. Đến mãi gần đây, kinh tế tư nhân mới được nhìn nhận, nghĩa là cũng phải gần 30 năm. Nhờ vào chính sự thay đổi này, vài năm gần đây kinh tế đã tốt lên.

Song, chúng ta phải đánh giá sao cho công bằng. Mỗi DN có một vai trò, ví dụ Thaco tạo ra một chuỗi công nghiệp ô tô, chuỗi đó nhiều DN tư nhân nhỏ bám vào. Khi ta hỗ trợ, Thaco cũng lớn lên, DN bám vào cũng lớn lên, đó là mô hình rất đặc trưng của các tập đoàn tư nhân Hàn Quốc. Sun Group cũng có một cách làm rất hay, định hình cách phát triển tọa độ. Họ làm không ồn ào, nhìn vào Đà Nẵng thì thấy. Họ đặt ra tiêu chuẩn có tính chất đẳng cấp cho Đà Nẵng phát triển như thế nào, căn cứ vào đó Đà Nẵng lựa chọn cho mình những nhà đầu tư. Tôi quan sát rất kỹ, Sun Group họ làm Sun World, làm Bà Nà... mọi người nhiều ý kiến kêu ca, nói đủ thứ nhưng phải thấy rằng họ định hình cho Đà Nẵng một cách chơi rất đẳng cấp. Hôm qua, tôi vào Đà Nẵng lên Bà Nà xem thực sự thế nào, quả thật họ tạo ra những điểm nhấn, một cách chơi khác hẳn, buộc Đà Nẵng thu hút đầu tư không thể hạ thấp tiêu chuẩn xuống được, phải đầu tư như thế nào thì mới chấp nhận. Từ đó, cũng đặt ra thách thức cho chính Sun Group. Ông không thể lùi xuống được mà phải tiếp tục tiến lên, tiến lên theo nghĩa, nâng luật chơi, tiêu chuẩn.

Trong cuộc chơi này, nhiều khó khăn vướng mắc thể chế mà nhà đầu tư tư nhân lớn gặp phải đặc biệt là thủ tục?

Trong quá trình chơi nó vướng mắc cơ chế, trở ngại sinh ra đủ thứ chuyện nếu mình nhìn theo cách để tháo gỡ, cho DN tư nhân họ phát huy năng lực thì tiềm năng của VN sẽ phát huy hơn rất nhiều. Bài học này không phải ở VN mà điển hình nhất ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Nếu có cụm DN tốt thì nền kinh tế đi lên vững vàng, đàng hoàng hơn.

Bình đẳng, sòng phẳng không “đặc quyền”

DN vừa và nhỏ mình hỗ trợ luật, chính sách riêng biệt, tập đoàn tư nhân lớn cần có chính sách riêng, mạnh mẽ hơn?

Như tôi đã nói, cách tiếp cận nếu hỗ trợ theo chuỗi mới hiệu quả được. Cách tiếp cận là nếu chúng ta muốn tạo ra chuỗi ngành công nghiệp ô tô thì cứ hỗ trợ DN. Ta giao cho họ, tạo ra sân chơi làm sao có một chuỗi, để DN bám vào sứ mệnh của nó. Đó là cách tốt nhất tạo ra chuỗi hiệu quả nhất, đây không phải phát minh riêng của ai mà là kinh nghiệm của các quốc gia đi trước về hệ thống công nghiệp nhiều tầng. Ở đây, mình không thể nói là ưu đãi cho DN này hay DN nọ mà là tạo ra chuỗi, sản phẩm mang tính cạnh tranh của VN. Chỉ có thể hỗ trợ những người dẫn dắt những chuỗi đó thì mới mong có hiệu quả.

Nhưng cũng cần có cách kiểm soát để bình đẳng với DN tư nhân khác, tránh đi vào vết xe đổ của DN nhà nước tạo ra những cái “chợ đặc quyền”?

Đây không phải ưu đãi, hỗ trợ phi thị trường mà hỗ trợ thị trường. Hay nói là hỗ trợ người thắng cuộc. Lâu nay, mình hỗ trợ chọn trước người thắng cuộc, cứ chọn DN nhà nước rồi FDI. Còn bây giờ, ông nào chơi thắng tôi sẽ hỗ trợ. Giao cho tập đoàn tư nhân, lập ra một chuỗi, hay bất cứ chuỗi nào, nếu ông làm thắng thì tôi thưởng, để cho ông thắng tôi hỗ trợ nhưng kèm theo điều kiện rất rõ ràng, ông giải được bài toán đó thì ông mới được lợi, rất sòng phẳng theo thị trường. Ta thành tập đoàn tư nhân nhưng phải rất rõ ràng và lành mạnh. Nhà nước phải làm bằng mọi cách để đảm bảo sự bình đẳng tiếp cận tất cả các nguồn tài nguyên, nguồn quyền lực và nguồn tín dụng của các DN.

kinh te tu nhan but pha
Nhà máy sản xuất xe ô tô Thaco Mazda ở Chu Lai, Quảng Nam ẢNH: THÁI NGUYỄN

Vậy còn vấn đề thể chế, rào cản, môi trường đầu tư, gỡ tiếp như thế nào?

Hiện nay đã gỡ, đã hỗ trợ nhiều, làm ráo riết, đặc biệt tổ công tác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rất quyết liệt gây áp lực rất lớn cho các bộ, ngành. Nhưng quả thật, câu chuyện lợi ích ràng buộc còn nặng, không dễ làm được. Nhưng bước tiến đầu tiên như thế đã rất tốt rồi, giờ tiếp tục làm heo hướng này thì DN tư nhân sẽ được hưởng lợi. Tư nhân hưởng lợi sẽ có việc làm, thu nhập cho người lao động, năng lực của VN cũng lớn lên.

Với những bước đi như vậy, ông có tin tưởng VN sẽ tạo được tập đoàn tư nhân lớn như Samsung, Toyota mang đẳng cấp thế giới?

Tin thì phải tin nhưng câu chuyện không dễ. Vấn đề là chúng ta phải hỗ trợ như thế nào, Chính phủ khuyến khích công nghệ cao như thế nào, kể cả nông nghiệp cũng thế, ta hô hào mà không tạo ra được thì không ổn. Giải pháp đã định hình rồi, không phải không có, nhưng đừng phá vỡ thị trường, không thể cứ xin cho là cứ cho, anh nào mình thích mình cho, không thể cứ thấy DN nhà nước là thưởng nhiều. Đây không phải là vấn đề tư cách, ta phải bình đẳng về tư cách và quan trọng nhất là khác biệt về chức năng. Nhà nước hay tư nhân đều phải bình đẳng, ông làm được những việc mà nhà nước cần thì ông phải tạo điều kiện hỗ trợ. Hỗ trợ theo kiểu thị trường cho nó sân chơi, cạnh tranh, anh nào làm tốt thì được thưởng.

Đặt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng từ các hiệp định như CPTPP, FTA ta cần phải làm gì để hỗ trợ thêm cho các DN?

Tác động của hội nhập ngày càng sâu và rộng hơn. Nhà nước, Chính phủ ngày càng phải đưa ra các luật chơi theo các cam kết quốc tế thế hệ mới. Giải phóng cho DN, doanh nhân để họ mạnh hơn. Biết cách tạo ra lực lượng, các tập đoàn tư nhân lớn làm trụ cột, còn khu vực DN vừa và nhỏ làm nền tảng. Theo cách đó, VN sẽ đi theo đúng quỹ đạo của một quốc gia hùng cường.

Ý kiến

Hướng tới việc xây dựng tập đoàn kinh tế tư nhân làm đầu tàu

Coi tư nhân là động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng tôi phải cảm ơn chủ trương này của Đảng, Nhà nước. Để thực sự trở thành một quốc gia kiến tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy kinh tế tư nhân, tôi thấy rằng từ Chính phủ tới các cấp, ngành đều phải có chung một hành động. Thủ tướng đã nói những gì tư nhân làm tốt thì tạo điều kiện để cho tư nhân làm, vậy Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khai thác tốt nguồn lực tư nhân, cho phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng hàng không. Tận dụng tốt cơ hội 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Chúng tôi cũng mong được ứng xử bình đẳng, công bằng để hướng tới việc xây dựng tập đoàn kinh tế tư nhân làm đầu tàu.

Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air

DN đặt ra kỳ vọng về các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế

Thời gian qua, cách hành xử của các nhà quản lý trong một số lĩnh vực vẫn còn lúng túng, chưa tìm ra hướng đi phù hợp và có nguy cơ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế. Đây sẽ trở thành sự thách thức trong năm tới. DN đặt ra các kỳ vọng về các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới: các rào cản về môi trường kinh doanh tiếp tục được tháo bỏ, các hoạt động cải cách về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy một cách thực chất hơn.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI)

Anh Vũ