Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương: Đầu tư vào công nghiệp ô tô là đường đua dài hơi, không có điểm dừng
Dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô bus quy mô 2.100 tỷ đồng này thuộc về Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco). Dự án thực hiện trên cơ sở hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc), sản xuất xe bus đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, với công suất khoảng 20.000 xe/năm, gồm 8.000 xe bus lớn và 12.000 xe mini bus.
Tại dự án này, Trường Hải đã được Tập đoàn Hyundai chấp thuận cho phép nội địa hóa xe mini bus H350 với các chi tiết như bộ ghế hành khách, bộ dây điện, các chi tiết nhựa nội thất, toàn bộ kính (kính chắn gió, kính hông và kính cửa). Theo kế hoạch, tất cả các chi tiết này đều được sản xuất bởi chính các nhà máy sản xuất, linh kiện, phụ tùng của Thaco đang hoạt động tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam).
Ô tô do Trường Hải sản xuất, lắp ráp đang hiện diện ngày càng nhiều trên thị trường trong nước. Ảnh: Chí Cường
Đây là dự án xe bus thứ 2 được Thaco đầu tư tại Chu Lai. Trước đó, Nhà máy sản xuất xe bus công suất 3.000 xe/năm đã đi vào hoạt động hồi năm 2011.
Cùng với dự án xe bus mới, Thaco cũng đang triển khai hàng loạt dự án khác của ngành ô tô tại Chu Lai. Đáng chú ý nhất trong số này là Dự án sản xuất, lắp ráp xe du lịch thương hiệu Mazda, có công suất giai đoạn I là 50.000 chiếc/năm.
Trong khi đó, một doanh nghiệp nội địa khác là Hyundai Thành Công cũng đạt được thỏa thuận hợp tác đầu tư để lắp ráp xe du lịch của Tập đoàn Hyundai tại Việt Nam, với quy mô không thua kém.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐTV Thaco cho hay, Tập đoàn Mazda có đưa ra yêu cầu ít nhất phải đạt sản lượng 50.000 xe/năm, trong đó phần tiêu thụ trong nội địa là 35.000 xe. Để thu hút Mazda đặt nhà máy tại Việt Nam và lấy đó làm bàn đạp xuất khẩu sang thị trường ASEAN, trong 2 năm trở lại đây, Thaco tập trung thúc đẩy doanh số bán hàng. Để chuẩn bị cho nhà máy Mazda mới, Thaco cũng rất quan tâm đến việc đào tạo nhân sự, đặc biệt là kỹ sư và thợ lành nghề.
Dẫu vậy, thực tế thuế nhập khẩu linh kiện thiết bị ô tô hiện ở mức 10 - 30% (trung bình 20%) và chưa có sự thay đổi, trong khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018 đang khiến các doanh nghiệp ô tô còn băn khoăn trước việc chuẩn bị đầu tư lớn cho sản xuất.
Nhận xét về thực tế này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay, Việt Nam nói ưu tiên sản xuất trong nước, nhưng thực tế, các nguyên vật liệu, vật tư sắt thép, linh kiện phải chịu thuế nhập khẩu, đẩy giá thành sản xuất, lắp ráp các thiết bị cơ khí, máy móc cơ khí trong nước lên, trong khi nhập khẩu nguyên chiếc thiết bị đồng bộ thì thuế nhập khẩu bằng 0. “Cứ để doanh nghiệp tự bươn chải thì họ sẽ gặp vô cùng khó khăn, đối diện với nguy cơ phá sản, bỏ sản xuất, không tạo ra việc làm ngay tại trong nước và để cho hàng nhập khẩu tự do tràn vào”, ông Nghĩa nhận xét.
Đầu năm 2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định 229/2016/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, trong đó có một số ưu đãi dành cho những dự án quy mô lớn. Mặc dù các chính sách nêu tại Quyết định này được cam kết thực hiện nhất quán trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập nhằm đạt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nhưng thị trường ô tô Việt Nam lại đứng trước nguy cơ mở cửa hoàn toàn để các nước trong khu vực tấn công.
Đại biểu Quốc hội, ông Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) phân tích, hiện nay, độ mở kinh tế Việt Nam là 170% GDP, tức là kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vào khoảng 340 tỷ USD, trong khi GDP là 200 tỷ USD. “Trong quá trình hội nhập, độ mở của nền kinh tế quá lớn như vậy sẽ rất khó kiểm soát trước tình hình biến động kinh tế thế giới. Các nước có độ mở lớn như Singapore, Ireland đều có dân số chỉ có vài triệu dân, trong khi Việt Nam hơn 93 triệu dân”, ông Ngân nhận xét và nhấn mạnh, thiết kế chính sách cần quan tâm đặc biệt đến việc khai thác thế mạnh của thị trường nội địa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Chia sẻ thực tế đầu tư vào ngành cơ khí, ô tô, ông Trần Bá Dương cho hay, đầu tư vào công nghiệp là đường đua dài hơi và không có điểm dừng, khi càng đầu tư chiều sâu thì vốn càng lớn. Công nghiệp ô tô cứ nói lợi nhuận cao, nhưng không thấm vào đâu nếu muốn phát triển bền vững, bởi phải tái đầu tư liên tục.
“Mức lãi 7.000 tỷ đồng trong năm 2015 hay dự tính đạt được trong năm 2016 của Thaco không thấm vào đâu so với nhu cầu cần đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2018”, ông Dương nói và cho biết thêm, Thaco còn đầu tư làm Khu đô thị tại Thủ Thiêm để phát triển song song, đồng thời có thêm tiền hỗ trợ lĩnh vực ô tô.
Thaco cũng đang nghiên cứu đầu tư sản xuất máy nông nghiệp, để vừa phân tán rủi ro, vừa để tận dụng thiết bị cơ khí hiện có, đồng thời mở ra hướng đầu tư những mô hình mẫu trong nông nghiệp, từ đầu tới thu hoạch, bán sản phẩm theo con đường công nghiệp.