|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Tập Cận Bình: Trung Quốc không buông bỏ ‘Zero COVID’ dẫu phí tổn gia tăng

10:43 | 14/04/2022
Chia sẻ
Chiến lược dập dịch nghiêm ngặt đã khiến công chúng phẫn nộ và làm tổn hại đến nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng ông Tập vẫn kiên quyết rằng Trung Quốc không thể nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định con người và sính mạng là trên hết. (Ảnh: Getty Images). 

Trong chuyến thăm tới tỉnh đảo Hải Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố chính phủ Trung Quốc sẽ gắn bó với chiến lược không khoan nhượng với COVID-19, mặc cho lúc này sự bất mãn của người dân Thượng Hải đang dâng cao và tổn thất kinh tế chồng chất.

Cuối ngày 13/4, tờ Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập khẳng định: “Các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát dịch không thể được nới lỏng”. Cũng trong ngày hôm đó, Thượng Hải báo cáo số trường hợp nhiễm COVID-19 mới kỷ lục là 27.719 ca.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, các quan chức thi hành chiến lược Zero COVID cần tuân thủ quy tắc “con người và sinh mạng là trên hết”. Ông nói thêm: “Kiên trì sẽ dẫn đến thắng lợi”.

Xét nghiệm COVID-19 hàng loạt ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 13/4. (Ảnh: Getty Images). 

Theo Bloomberg, rất có thể ông Tập đang nhắm tới nhiệm kỳ thứ ba tại kỳ họp Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nửa cuối năm nay. Nhưng trước đó, ông phải đối mặt với một trong những thử thách lớn nhất từ khi cầm quyền đến nay. 

Việc phong tỏa hàng chục triệu dân tại thành phố Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm đã làm dấy lên chỉ trích về cách chính quyền của ông Tập phản ứng với biến chủng Omicron vốn có khả năng lây nhiễm cao.

Người dân thiếu thốn nhu yếu phẩm, chăm sóc y tế và mất kiên nhẫn đã công khai thể hiện sự phản đối khi bị cấm rời khỏi nhà. Chính phủ Trung Quốc đã có một số dấu hiệu nới lỏng, ví dụ như cho phép Thượng Hải, Quảng Châu và 6 thành phố khác giảm thời gian cách ly cho một số đối tượng. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao cũng lên tiếng rằng Trung Quốc phải gắn bó với chiến lược nghiêm ngặt này.

Xe tải chở vật tư chống dịch rời khỏi cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, ngày 13/4. (Ảnh: Getty Images). 

Chiến lược Zero COVID thường bao gồm xét nghiệm hàng loạt, cách ly trong thời gian dài và chủ yếu là phong tỏa các khu vực phát hiện ca nhiễm. Bên cạnh phí tổn xã hội, tổn thất kinh tế cũng rất đáng kể do các nhà máy phải ngừng hoạt động và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn.

Nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa, Đại học Chiết Giang ở Trung Quốc đại lục và Đại học Princeton ở Mỹ, Đại học Trung Quốc ở Hong Kong chỉ ra rằng chiến lược chống dịch mạnh tay của Trung Quốc có thể khiến sản lượng kinh tế mỗi tháng tổn thất ít nhất 46 tỷ USD, tương đương 3,1% GDP.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro tới tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng trung ương Trung Quốc được cho là sẽ hạ lãi suất chính sách chính lần thứ hai trong năm nay vào ngày 15/4 và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong những ngày tới để củng cố kinh tế.

Ngoài ra, Zero COVID cũng làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Đầu tuần này, Mỹ đã lệnh cho các nhân viên chính phủ không thiết yếu rời khỏi lãnh sự quán ở Thượng Hải. Đáp lại, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Washington “công kích và bôi nhọ” nước này. 

Giang

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.