|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Sao Ta: Việc tự chủ 100% tôm nguyên liệu là điều không thể

20:20 | 15/06/2022
Chia sẻ
Việc tự mua lại vùng nuôi tôm rộng 203 ha dự kiến giúp Sao Ta tự chủ được 30 - 40% nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, đại diện Sao Ta cho rằng việc tự chủ hoàn toàn 100% nguyên liệu tôm là điều không thể vì hiện tại ngành tôm vẫn còn khá manh mún, tự phát.

Hoàn thành trước kế hoạch mở rộng vùng nuôi năm 2022

Mới đây, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) bất ngờ công bố kế hoạch nâng gần gấp đôi diện tích vùng nuôi tôm nguyên liệu. Theo đó, công ty dự kiến đầu tư 200 tỷ để mua lại và tăng vốn cho Công ty TNHH Vĩnh Thuận nhằm mở rộng vùng nuôi tôm thêm 203 ha.

Trao đổi với người viết ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT của Sao Ta cho biết hiện các thủ tục chuyển nhượng với đối tác đã hoàn tất. Phần việc còn lại là các thủ tục liên quan đến chính quyền. 

Nguồn tiền để mua lại vùng nuôi này đến từ việc bán 24,9% cổ phần cho đối tác chiến lược C.P. Việt Nam vào cuối năm ngoái. Sau thương vụ mua bán này, vốn điều lệ của Sao Ta tăng  từ 588,5 tỷ đồng lên 653,9 tỷ đồng. Nguồn tiền thứ hai đến từ chiến lược phát triển 2021-2025 của Sao Ta.

Vùng nuôi của Vĩnh Thuận hình thành từ năm 2002, được đầu tư bài bản và có chứng chỉ nuôi quốc tế ASC và BAP sớm nhất Sóc Trăng. Tuy nhiên, giai đoạn tôm bị bệnh trầm trọng 2010 - 2015 khiến khu nuôi tôm này thiệt hại lớn và Vĩnh Thuận hết vốn nuôi, không thể phục hồi kịp thời nên đành phải chuyển nhượng vì còn nợ khá lớn. 

Sau khi mở rộng, dự kiến đến năm 2024, Sao Ta sẽ phủ kín vùng nuôi 520 ha đất do mình quản lý nâng mức độ tự chủ nguyên liệu lên 30 - 40%, tuỳ thuộc vào việc nuôi tôm có thuận lợi hay không.

Thông tin này được cho là khá bất ngờ khi tại buổi đại hội cổ đồng cổ đông diễn ra hồi giữa tháng 3, công ty mới dừng lại ở kế hoạch mở rộng 52 ha nuôi lên 320 ha, đáp ứng 20 - 30% nhu cầu nguyên liệu. 

Như vậy, với việc mua lại vùng nguyên liệu của Vĩnh Thuận, công ty đã hoàn thành trước kế hoạch 500 ha vùng nuôi vào năm 2025. 

Khi được hỏi về lộ trình có thể tự chủ hoàn toàn 100% nguyên liệu, ông Lực cho rằng điều này là không thể. 

 

“Việc tự chủ hoàn toàn 100% nguyên liệu tôm là điều không thể vì hiện tại ngành tôm vẫn còn khá manh mún, tự phát. Do đó, không có cách nào bỏ được việc mua tôm nguyên liệu bên ngoài”, ông Lực nói. Vị này cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng thêm vùng nuôi nếu gặp điều kiện thuận lợi. 

Rủi ro quy trình nuôi tôm bị sao chép?

Thời điểm này, dịch bệnh đang là rủi ro lớn cho ngành tôm, điều mà khiến Vĩnh Hiệp phải bán vùng nuôi của mình cho Sao Ta.

Theo ông Lực, năm 2022, có khá nhiều trang trại nuôi ở nhiều tỉnh đang vất vả vì dịch bệnh trên tôm nuôi, thậm chí có trang trại phải đóng cửa. Tuy nhiên, ông cho rằng càng "khó khăn thì nuôi tôm càng có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn"

“Khu nuôi Sao Ta tôm cũng bị dịch bệnh. Tuy nhiên, do công tác an toàn sinh học ở đây được thực thi khá triệt để nên dịch bệnh tác hại trong phạm vi kiểm soát được. Sao Ta tự tin quy trình nuôi của mình có nhiều ưu điểm và nhất là kiểm soát rủi ro khá tốt nên không ngại khó khăn. Càng khó khăn thì nuôi tôm càng có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn!”, Chủ tịch Sao Ta nói. 

Sao Ta đang ứng dụng kỹ quy trình nuôi tôm bằng vi sinh (probiotics) với 2 loại vi sinh. Loại thứ nhất sẽ chiếm lĩnh dưới đáy ao, đóng vai trò như "lính gác" không cho những vi khuẩn gây hại chiếm chỗ. Để làm được điều đó, phải tính toán làm sao chất bẩn và các vi khuẩn gây hại khác làm nguồn thức ăn cho loại vi sinh "lính gác" này. 

Còn loại thứ hai là lợi khuẩn, kích thích tiêu hoá cho tôm. Nếu như loại vi sinh đầu tiên có thể đổ trực tiếp xuống ao thì loại vi sinh này phải phối trộn thức ăn phù hợp. 

Hiện tại, Sao Ta là công ty duy nhất có thể sản xuất và ứng dụng 2 loại vi sinh này. 

Mặc dù vậy, vị này cũng thừa nhận quy trình nuôi tôm của công ty có thể bị sao chép cơ bản nếu có nền tảng tương đồng và người đi sao chép phải biết linh hoạt xử lý tình huống vì bài toán nuôi tôm có nhiều biến số.

"Cũng giống như một người nấu phở ngon, truyền nghề cho người ở vùng khác. Nếu áp dụng cùng công thức thì nồi phở chưa chắc đã ngon vì không hợp với khẩu vị người bản địa. Thay vào đó phải điều chỉnh gia vị và điều này phụ thuộc rất nhiều khả năng biến tấu của người nấu", ông Lực nói.

H.Mĩ