|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Phạm Ngọc Minh: Vietnam Airlines trở thành lò đào tạo phi công cho các hãng khác thì ‘càng tốt, đáng tự hào’

18:12 | 10/05/2019
Chia sẻ
Sáng nay 10/5, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Bên lề sự kiện, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT công ty về vấn đề đội ngũ lao động kĩ thuật cao.

Nói về việc nhiều lao động trình độ cao, kĩ thuật cao mà điển hình là các phi công của Vietnam Airlines gần đây nghỉ việc và chuyển sang làm cho các hãng hàng không khác, trong đó có Bamboo Airways, ông Phạm Ngọc Minh nhận định: 

"Khi thị trường có biến động, việc đầu tiên cần hiểu là lực lượng lao động chuyên ngành trên thị trường đang rất thiếu. Chúng tôi phải nhìn nhận dưới góc độ khác, tức là chính sách của VNA liên quan đến đào tạo, huấn luyện chuyển loại hiện nay tiếp tục được đẩy mạnh, đảm bảo nguồn lực không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn. 

Cách mà chúng tôi làm là cả một qui trình từ người chưa biết lái máy bay cho đến biết lái rồi chuyển sang các loại máy bay khác, nâng bậc lên cơ trưởng … chúng tôi - người Việt Nam - đã xây dựng, chuẩn mực hóa. Bây giờ phải nâng qui trình này lên, làm ở qui mô lớn hơn.

Nếu làm một cách nghiêm túc, người Việt Nam không chỉ có khả năng lái máy bay cho hãng hàng không Việt Nam mà còn có thể làm việc cho cả các hãng nước ngoài.

Chủ tịch Phạm Ngọc Minh: Vietnam Airlines trở thành lò đào tạo phi công cho các hãng khác thì ‘càng tốt, đáng tự hào’ - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh bên lề Đại hội cổ đông sáng 10/5. Ảnh: Kiên Dương

Làm gì khi Vietnam Airlines bị ràng buộc về chính sách tiền lương, còn các đối thủ thì không?

Hiện nay cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines là Nhà nước thông Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Ủy ban) với tỉ lệ sở hữu 86,19%. Vì vậy, chính sách đãi ngộ lao động của Vietnam Airlines vẫn chịu sự ràng buộc của cơ chế Nhà nước.

Theo ông Phạm Ngọc Minh, "Đây là một thách thức mà ban lãnh đạo Vietnam Airlines phải tìm các phương án khác nhau để giải quyết, chứ không thể chỉ nói nhằm vào các hãng mới ra đời. Mình cần có giải pháp tổng thể. Các giải pháp tổng thể lớn, quan trọng nhất là trước mắt giải quyết vấn đề lương, thu nhập và các quyền lợi trong phạm vi của Vietnam Airlines, công bố lộ trình rõ ràng. 

Giải pháp quan trọng dài hạn hơn là Vietnam Airlines đã tự đào tạo được nguồn lao động tạm gọi là chất lượng cao, kĩ thuật cao, thì cần mở rộng ra và làm quyết liệt hơn.

Khi được hỏi liệu ông có lo lắng về việc Vietnam Airlines trở thành lò đào tạo cho các đơn vị khác không, ông Phạm Ngọc Minh cười: "Càng tốt. Tôi tự hào về điều đó".

ÔNG PHẠM NGỌC MINH

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines

  • Vietnam Airlines trở thành lò đào tạo cho các hãng khác thì càng tốt. Tôi thấy tự hào về điều đó.

Đang đề xuất cơ chế lương đặc thù cho Vietnam Airlines

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Giám đốc Dương Trí Thành cho biết Vietnam Airlines đang đề xuất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét có cơ chế lương đặc thù cho Vietnam Airlines. Hãng bay này cũng đã có lộ trình tăng lương cho đội ngũ phi công và lao động kĩ thuật cao giai đoạn 2020-2025.

Chủ tịch Phạm Ngọc Minh: Vietnam Airlines trở thành lò đào tạo phi công cho các hãng khác thì ‘càng tốt, đáng tự hào’ - Ảnh 4.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên sáng 10/5. Ảnh: Vietnam Airlines.

Chia sẻ với báo chí gần đây, ông Dương Trí Thành cho biết: Đến đầu tháng 5, Vietnam Airlines đã đào tạo gần 800 phi công là người Việt Nam trong tổng số 1.200 phi công, thiếu khoảng 400 nên phải tuyển người nước ngoài.

Cách đây 25 năm, lực lượng phi công, kỹ sư máy bay chủ yếu đào tạo hoàn toàn tại nước ngoài với chi phí khoảng 200.000 USD/người, phần lớn dựa vào vốn ODA và nguồn lực từ không quân chuyển sang, có chuyển loại. Tuy nhiên từ đầu năm 2000 đến nay, Vietnam Airlines trên cơ sở phải tự chủ bằng giải pháp xã hội hóa đã chủ động trong công tác đào tạo, quản lý, sử dụng nguồn lực phi công, kỹ thuật máy bay. Nhờ đó, hãng tự chủ được phần lớn lực lượng phi công, giảm thuê ngoài.

Ông Thành cũng tiết lộ con số cụ thể về phúc lợi của đội ngũ phi công: "Tại Vietnam Airlines hiện nay, chế độ bảo hiểm sức khỏe cho phi công áp dụng 100 triệu đồng/người/năm; bảo hiểm hưu trí tự nguyện là 300 triệu đồng/người/năm và mức lương của phi công Việt Nam đang được đẩy dần lên bằng khoảng 75% phi công nước ngoài, cao nhất là 300 triệu/tháng. Trung bình, phi công Việt nhận 150 triệu đồng/người/tháng."

Chủ tịch Phạm Ngọc Minh thì cho biết bên lề đại hội: Vietnam Airlines đã công bố việc điều chỉnh lương cho phi công, đánh giá tổng thể đã đáp ứng được 80-85% mặt bằng chung. Lộ trình của chúng tôi là tiếp tục nâng mức lương lên để đáp ứng 85-90% mặt bằng chung vào năm sau.

Chủ tịch Phạm Ngọc Minh: Vietnam Airlines trở thành lò đào tạo phi công cho các hãng khác thì ‘càng tốt, đáng tự hào’ - Ảnh 5.

Lương trung bình của phi công Vietnam Airlines qua cá năm. Nguồn số liệu: Bản cáo bạch niêm yết 2019 của Vietnam Airlines.

Trong một văn bản gửi thủ tướng Chính phủ mới đây, Vietnam Airlines cho biết: Từ khi thị trường hàng không có sự cạnh tranh mạnh hơn với sự tham gia của nhiều hãng hàng không, hãng đang phải đối diện với nguy cơ "chảy máu chất xám' do các doanh nghiệp mới sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút, lôi kéo phi công của hãng.

Theo ông Thành, trong giai đoạn đầu phát triển, Vietnam Airlines có thể coi đây là trách nhiệm của hãng hàng không quốc gia, đào tạo nhân lực chung, thế nhưng bị mất tới 30% phi công của một đội bay thì trở thành bất hợp lí.