|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

[Infographic] Vietnam Airlines: Những con số ấn tượng trước ngày chào sàn HOSE

10:32 | 06/05/2019
Chia sẻ
Trước ngày cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chào sàn HOSE, hãy cùng chúng tôi nhìn lại những con số ấn tượng về doanh nghiệp đầu ngành hàng không Việt Nam này, từ kết quả kinh doanh, lực lượng lao động, đội tàu bay, đến rủi ro hoạt động ...

Ngày 7/5 tới đây cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) sẽ chính thức niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 40.600 đồng/cp, biên độ dao động ±20%.

Trước đó, toàn bộ cổ phiếu HVN đã ngừng giao dịch trên thị trường UPCoM. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng tại UpCoM diễn ra vào ngày 22/4, giá cổ phiếu HVN đóng cửa ở mức 40.300 đồng/cp, tăng gần 1,5 lần so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên (ngày 3/1/2017) là 28.000 đồng/cp.

Giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines hiện là hơn 57.000 tỉ đồng, tương đương 2,5 tỉ USD.

[Infographic] Vietnam Airlines: Những con số ấn tượng trước ngày chào sàn HOSE - Ảnh 1.

Số liệu: Vietnam Airlines, Đức Quyền tổng hợp. Đồ họa: Cô Trịnh.

Lãi sau thuế 2.600 tỉ đồng năm 2018

Năm 2018, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu hợp nhất 98.950 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.312 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 2.600 tỉ đồng – vượt kế hoạch 36,5%.

ROA và ROE hợp nhất năm 2018 lần lượt là 3,04% và 14,39%.

Tổng tài sản thời điểm cuối năm đạt 82.390 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 18.672 tỉ đồng trong đó vốn điều lệ là 14.183 tỉ đồng.

Tổng sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa giai đoạn 2015 – 2018 lần lượt đạt 81,8 triệu lượt khách và 1,15 triệu tấn hàng hóa. Trong đó sản lượng vận chuyển hành khách giảm 3,6% so với kế hoạch do công ty điều chỉnh tải cung ứng khi giá nhiên liệu tăng để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Sản lượng vận chuyển hàng hóa năm 2018 vượt kế hoạch 18,4%.

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất và công ty mẹ giai đoạn 2015 – 2018 đều tăng trưởng mặc dù doanh thu giảm nhẹ so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4 năm đạt 10.116 tỉ đồng, doanh thu hợp nhất thấp hơn 15% so với kế hoạch.

Tổng vốn đầu tư của công ty mẹ giai đoạn 2015 – 2018 đạt 33.240,6 tỉ đồng, tương đương chỉ 54,3% kế hoạch. Riêng năm 2018, công ty đặt kế hoạch kinh phí đầu tư 3.503 tỉ đồng nhưng thực tế chỉ đạt 671 tỉ đồng, tương đương 19,1%.

Nguyên nhân do là (1) Một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng lớn bị chậm tiến độ do các thủ tục hành chính kéo dài và chồng chéo trong quy định về đất đai, xây dựng và (2) Trong giai đoạn 2016 – 2018, Vietnam Airlines không sử dụng nguồn vốn đầu tư mới đội bay (chuyển sang hình thức bán và thuê lại – SLB thay cho việc huy động vốn) nhưng vẫn đảm bảo đội bay khai thác tăng, đáp ứng yêu cầu kinh doanh và cân đối tài chính.

Thu nhập người lao động cải thiện theo thời gian

Về đội ngũ nhân sự, đến 31/12/2018, tổng số cán bộ công nhân viên hợp nhất toàn tổng công ty là 22.420 người, tăng 2,8% so với số lượng lao động cuối năm 2017, trong đó lao động của công ty mẹ Vietnam Airlines là 6.605 người. 

Trên 60% nguồn nhân lực của Vietnam Airlines có độ tuổi dưới 40 tuổi. Độ tuổi trung bình là 38,4 tuổi, trong đó tuổi bình quân của nam là 39,4 và nữ là 37,3. Tỉ lệ sử dụng lao động nước ngoài (đặc biệt là lao động đặc thù như phi công, tiếp viên, kĩ sư) tại Vietnam Airlines cũng có xu hướng giảm, thay vào đó là đội ngũ lao động trong nước với chất lượng chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao.

Trong ba năm từ 2015 đến 2018, lương bình quân của đội ngũ phi công tăng từ 112,9 triệu đồng lên 132,5 triệu đồng/tháng, tương ứng mức tăng 5,48% mỗi năm.

Lương của đội ngũ tiếp viên tăng từ 23,4 triệu đồng lên 28,9 triệu đồng/tháng, tương ứng tỉ lệ 7,29% mỗi năm

Lương của toàn thể cán bộ, công nhân, nhân viên (không bao gồm HĐQT và Ban Giám đốc) tăng từ 17,8 triệu đồng lên 28,8 triệu đồng/tháng, tức tăng 17,40% mỗi năm.

Nội dung: Đức Quyền - Đồ họa: Cô Trịnh