|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines và Vietjet Air: Hãng bay nào chi cho nhân công nhiều hơn?

18:09 | 06/05/2019
Chia sẻ
Năng suất lao động của nhân viên Vietnam Airlines thuộc hàng cao nhất trong các hãng hàng không truyền thống của khu vực, nhưng chi phí nhân công của hãng lại thuộc vào nhóm thấp. Tỉ lệ chi phí nhân công/doanh thu của Vietnam Airlines cũng thấp hơn nhiều so với một hãng hàng không nội khác là Vietjet Air.

Trong một báo cáo phân tích về ngành hàng không, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) được hưởng lợi thế lớn nhờ chi phí lương nhân viên ở mức thấp nhất so với các hãng hàng không truyền thống (Full-service carrier - FSC) trong khu vực.

Tỉ lệ chi phí nhân công/doanh thu của Vietnam Airlines chỉ ở mức 7,8%; thấp hơn nhiều so với mức 18,3% bình quân của các hãng hàng không FSC khác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Chi phí lương bình quân/ASK của Vietnam Airlines 2016 ở mức 0,5 xu Mỹ/ASK, thấp hơn nhiều so với mức bình quân là 1,68 xu Mỹ/ASK.

(ASK - Available seat kilometers là đại lượng đo sản lượng của ngành hàng không, được tính bằng Số ghế trên máy bay nhân với Quãng đường bay)

Vietnam Airlines và Vietjet Air: Hãng bay nào chi cho nhân công nhiều hơn? - Ảnh 1.

So sánh chi phí nhân công của Vietnam Airlines và các hãng hàng không truyền thống (FSC) khác. Nguồn: BVSC.

Tuy mức lương thấp nhưng năng suất lao động của Vietnam Airlines ở mức cao trong khu vực, đứng thứ 2 trong các hãng FSCs tại Châu Á Thái Bình Dương với 6,35 triệu ASK/người theo số liệu năm 2017.

Vietnam Airlines và Vietjet Air: Hãng bay nào chi cho nhân công nhiều hơn? - Ảnh 2.

Năng suất lao động Vietnam Airlines so với các FSCs khác năm 2017. Nguồn: BVSC

Một hãng hàng không khác của Vietnam là Vietjet Air cũng được hưởng lợi từ chi phí nhân công thấp. Số lượng nhân viên/máy bay của Vietjet thấp hơn so với các hãng hàng không giá rẻ (Low-cost carrier – LCC) thuộc Đông Nam Á, giúp cho chi phí nhân viên/ASK của hãng gần như thấp nhất trong khu vực

Vietnam Airlines và Vietjet Air: Hãng bay nào chi cho nhân công nhiều hơn? - Ảnh 3.

Chi phí nhân viên của Vietjet Air. Nguồn: BVSC.

Vietnam Airlines so với Vietjet Air

Tính đến ngày 31/12/2018, Vietnam Airlines (công ty mẹ) có tổng cộng 6.605 lao động, trong đó có 3.482 nam và 3.123 nữ. Độ tuổi trung bình là 37, tỉ trọng lao động có trình độ đại học và trên đại học là 58,8%.

Số phi công tại ngày 31/12/2018 là 1.118, trong đó phi công người Việt Nam chiếm 75,67%, số lượng lao động kĩ thuật có chứng chỉ hơn 1.370 người.

Mức lương trung bình của phi công trong năm 2018 là 132,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 9% so với năm trước. Mức lương trung bình của cán bộ nhân viên (trừ Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc) là 28,8 triệu đồng/người/tháng, tăng trưởng 19,5% so với năm 2017.

Vietnam Airlines và Vietjet Air: Hãng bay nào chi cho nhân công nhiều hơn? - Ảnh 4.

Mức lương bình quân của người lao động Vietnam Airlines (Thu nhập của Phi công, tiếp viên chưa bao gồm phụ cấp lưu trú). Nguồn: Vietnam Airlines.

Về phía Vietjet, tổng số nhân sự của đến ngày 31/12/2018 là 3.850 người, tăng 24,3% so với năm 2017. Trong năm, Vietjet đã tuyển mới 998 nhân sự bao gồm 180 phi công, 595 tiếp viên và các nhân sự khác ở cấp Giám đốc, quản lý và nhân viên.

Báo cáo thường niên năm 2018 Vietjet không công bố mức thu nhập cụ thể của lực lượng phi công nhưng cho biết thu nhập bình quân người lao động năm 2018 đạt gần 44,5 triệu đồng/người/tháng, so với mức lương trung bình của cán bộ nhân viên (trừ Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc) của Vietnam Airlines là 28,8 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2017, khi mức lương bình quân của phi công Vietnam Airlines là 121,6 triệu đồng/người/tháng, Vietjet cho biết con số này của mình là khoảng 180 triệu đồng.

Vietnam Airlines và Vietjet Air: Hãng bay nào chi cho nhân công nhiều hơn? - Ảnh 5.

Thu nhập bình quân người lao động của Vietjet Air qua các năm. Nguồn: Báo cáo thường niên 2018.

Tỉ lệ nghỉ việc của nhân viên của Vietjet Air liên tục sụt giảm trong những năm gần đây, từ 22,19% năm 2014 xuống còn 9,27% năm 2018.

Phân tích chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố, theo báo cáo tài chính công ty mẹ của Vietnam Airlines năm 2018, nhân công là chi phí lớn thứ ba của hãng với giá trị 5.294 tỉ đồng, chiếm 7,5% doanh thu thuần. 

Vietnam Airlines và Vietjet Air: Hãng bay nào chi cho nhân công nhiều hơn? - Ảnh 6.

Cơ cấu chi phí/doanh thu của Vietnam Airlines năm 2018. Biểu đồ sử dụng số liệu công ty mẹ để tập trung vào mảng trực tiếp kinh doanh vận tải hàng không, không kể các mảng kinh doanh phụ trợ. Nguồn: Báo cáo tài chính công ty mẹ 2018

Về phần Vietjet Air, chi phí nhân công của công ty mẹ cả năm 2018 là 3.221 tỉ đồng, chiếm 9,5% doanh thu thuần - cao hơn 2 điểm % so mới mức 7,5% của Vietnam Airlines. Nhiên liệu là khoản mục chi phí lớn nhất của Vietjet Air, chiếm 39,2% tổng doanh thu.

Vietnam Airlines và Vietjet Air: Hãng bay nào chi cho nhân công nhiều hơn? - Ảnh 7.

Cơ cấu chi phí/doanh thu của Vietjet Air năm 2018. Biểu đồ sử dụng số liệu công ty mẹ để tập trung vào mảng trực tiếp kinh doanh vận tải hàng không, không kể các mảng kinh doanh phụ trợ. Nguồn: Báo cáo tài chính công ty mẹ 2018.


Kiên Dương