Vietnam Airlines dự chi gần 3,8 tỉ USD mua mới 50 tàu bay
Nhu cầu tàu bay: Thêm 50-75 chiếc thân hẹp
Số lượng tàu bay thân hẹp mà Vietnam Airlines khai thác tại ngày 31/3/2019 là 63 chiếc và dự kiến tăng lên 71 chiếc vào cuối năm 2021.
Theo kế hoạch phát triển đội bay giai đoạn 2021-2025 của Vietnam Airlines (bao gồm Jetstar Pacific Airlines), qui mô đội tàu đến năm 2025 dự kiến đạt 135-177 chiếc, trong đó đội tàu bay thân hẹp đạt khoảng 95-120 chiếc.
Theo các hợp đồng thuê, mua và kế hoạch bán tàu bay hiện tại, số lượng tàu bay thân hạn sẽ hết thời hạn thuê, bán thanh lí trong giai đoạn 2021-2025 là 26 chiếc. Số lượng tàu thân hẹp cần bổ sung trong giai đoạn 2021-2025 là từ 50 đến 75 chiếc tùy thuộc vào mức tăng trưởng của thị trường.
Nhu cầu tàu bay của Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025. Nguồn: Vietnam Airlines.
Để đảm bảo an toàn trong phương án đầu tư, Vietnam Airlines dự kiến sẽ đặt hàng chắc chắn mua (firm order) 50 chiếc có lịch giao từ 2021 đến 2025, và đặt hàng có lựa chọn mua (optional) thêm 50 chiếc nữa với lịch giao linh hoạt. Khi thị trường tăng trưởng theo kịch bản cao, Vietnam Airlines có thể bổ sung tàu bay thân hẹp thông qua phương án thuê khai thác trên thị trường hoặc lập dự án đầu tư thực hiện quyền mua bổ sung.
(Gần đây hãng hàng không Bamboo Airways thuộc tập đoàn FLC cũng kí kết một thỏa thuận với cấu trúc tương tự, cụ thể hãng này cam kết mua 6 chiếc A321NEO từ nhà sản xuất Airbus, và có thể mua (optional) thêm 20 chiếc A321 NEO nữa).
Vietnam Airlines nhận định việc đặt mua qui mô lớn sẽ giúp hãng có nhiều lợi thế đàm phán về giá cũng như có thêm nhiều ưu đãi về các điều kiện hỗ trợ sau mua như bảo dưỡng kĩ thuật, phụ tùng vật tư, quảng cáo, …
Với đơn hàng chắc chắn mua 50 tàu bay và lựa chọn mua 50 tàu khác, Vietnam Airlines tự tin có thể giữ được các điều kiện mua cho nhu cầu bổ sung tàu bay phát sinh khi thị trường tăng trưởng cao hơn dự kiến đối với giai đoạn 2021-2025 và nhu cầu bổ sung tàu bay cho giai đoạn 2030.
Lựa chọn Airbus hay Boeing?
Vietnam Airlines nhận định thị trường tàu bay thân hẹp là phân khúc cạnh tranh cao nhất trong toàn ngành hàng không dân dụng. Hiện hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Airbus và Boeing có các dòng máy bay thân hẹp là:
Airbus: Dòng máy bay (Family) A320 gồm hai loại là A320NEO và A321NEO.
Boeing: Dòng máy bay (Family) B737 MAX, gồm ba loại là MAX 8, 9 và 10.
Vietnam Airlines sẽ lựa chọn đầu tư tàu bay mới 100% trực tiếp từ nhà sản xuất để hưởng các lợi thế: Hỗ trợ tài chính thông qua hình thức vay vốn có bảo lãnh của tổ chức tín dụng xuất khẩu; nhận hỗ trợ của nhà sản xuất bao gồm hỗ trợ kĩ thuật, bảo hành, đào tạo; ổn định về lịch giao tàu bay, chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch mạng đường bay.
Vietnam Airlines sẽ sử dụng kết hợp giữa các phương án mua, thuê mua và bán & thuê lại (SLB) đối với 50 tàu bay thân hẹp.
Trước khi nhận tàu bay từ 1 đến 2 năm, Vietnam Airlines sẽ cân đối và quyết định lựa chọn mua, thuê mua hoặc SLB tùy thuộc vào khả năng cân đối vốn của chủ sở hữu; khả năng huy động vốn, chi phí vốn; tình hình cạnh tranh trên thị trường thuê tàu bay; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trong giới hạn an toàn. Số lượng tàu bay sẽ thực hiện tài trợ vốn theo cấu trúc mua/thuê mua tối đa không quá 50% số tàu bay của dự án.
Một chiếc A321-200 của Vietnam Airlines.
Tổng mức đầu tư dự kiến gần 3,8 tỉ USD
Vietnam Airlines dự kiến sẽ mua 50 tàu bay thân hẹp (bao gồm động cơ treo trên cánh và các thiết bị chọn thêm) và 10 động cơ dự phòng. Thời gian giao nhận từ năm 2021 đến 2025.
Tổng mức đầu tư dự kiến là trên 3.763 triệu USD (tương đương khoảng 83.000 tỉ đồng), trong đó nguồn vốn huy động chiếm 36% (tức 1.354 triệu USD), vốn chủ sở hữu chiếm 12,62% (tức 475 triệu USD), nguồn chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm chiếm 51,38% (tức gần 1.934 triệu USD)
Dự kiến lợi nhuận trước thuế hàng năm của cả mạng bay trong giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 2.219-3.580 tỉ đồng/năm, trong đó lợi nhuận vận tải hàng không của đội tàu thân hẹp đạt khoảng 359 – 1.413 tỉ đồng/năm.
Để đáp ứng nhu cầu vốn chủ sở hữu, Vietnam Airlines dự kiến phát hành tăng vốn trong giai đoạn 2019-2025 để đưa vốn chủ sở hữu đạt khoảng 29.500 tỉ đồng vào cuối năm 2025 và sẽ đảm bảo trong toàn bộ giai đoạn 2019-2025 hệ số nợ phải trả (không bao gồm thu bán) trên vốn chủ sở hữu luôn duy trì dưới mức 3 lần.