|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHCĐ Vietnam Airlines: Các quí cuối năm nhiều khó khăn, cố gắng giảm lỗ

09:23 | 10/05/2019
Chia sẻ
Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Vietnam Airlines là đại hội đầu tiên sau khi cổ phiếu HVN của doanh nghiệp này niêm yết trên HOSE. Sự kiện sẽ bàn bạc về nhiều vấn đề quan trọng được cổ đông và các nhà phân tích quan tâm như kế hoạch phát triển đội tàu bay trị giá hàng tỉ USD, tình trạng "chảy máu chất xám" ở lực lượng lao động kĩ thuật cao, kế hoạch kinh doanh năm 2019, ...

Sáng 10/5, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - Mã: HVN) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Trước đó ít ngày, vào hôm 7/5, hơn 1,4 tỉ cổ phiếu HVN đã được chính thức niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh với giá tham chiếu 40.600 đồng/cp sau hơn hai năm giao dịch tại thị trường UPCoM.

Kết phiên 9/5, giá cổ phiếu HVN dừng ở 39.150 đồng/cp, giảm 3,6% so với giá tham chiếu ngày chào sàn. Vốn hóa của cổ phiếu HVN hiện đạt trên 55.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 2,5 tỉ USD.

Đại hội ngày 10/5 chính là đại hội cổ đông đầu tiên sau khi Vietnam Airlines niêm yết cổ phiếu.

ĐHCĐ Vietnam Airlines: Các quí cuối năm nhiều khó khăn, cố gắng giảm lỗ - Ảnh 1.

Khai mạc Đại hội cổ đông Vietnam Airlines sáng 10/5. Ảnh: Bạch Mộc

"Lợi nhuận cả năm không đơn giản là lợi nhuận quí I nhân với 4"

Kết thúc quí I, Vietnam Airlines đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.579 tỉ đồng, thực hiện trên 45% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Vậy kế hoạch kinh doanh của VNA năm 2019 là cao hay thấp?

TGĐ Dương Trí Thành cho biết: Tình hình kinh doanh ngành hàng không gắn chặt với tình hình kinh tế vĩ mô, cạnh tranh, giá xăng dầu và tỷ giá.

Lợi nhuận năm 2017-2018 cao, hay thậm chí cao kỷ lục một phần là nhờ việc cải tiến đội tàu bay thận rộng, từ B777 thành các loại tàu mới A350, B787, tiết kiệm nhiên liệu tới 15-25%.

Lợi nhuận quí I/2019 cao đột biến là nhờ vào tháng 1, giá nhiên liệu máy bay thấp chỉ 71 USD/thùng trong khi kế hoạch là 85 USD/thùng, sự phấn khích của người tiêu dùng cũng rất cao. Tuy nhiên đến tháng 3 và 4, kết quả kinh doanh đã đi xuống nhiều.

"Vietnam Airlines lập kế hoạch kinh doanh với giả định thị trường hàng không tăng trưởng 13% nhưng thực tế đến tháng 4 chỉ tăng gần 7%. Vậy chúng ta phải xử lý thế nào?"

"Ngành hàng không có tính mùa vụ cao, tập trung vào dịp nghỉ hè, lễ, … còn các tháng 3-4-5, chúng tôi vẫn nói vui là tháng để sửa chữa máy bay, huấn luyện nhân sự và ghi lỗ.

Vì vậy lợi nhuận cả năm không phải đơn giản bằng 4 lần quí I mà sẽ có nhiều biến động trong các quí sau", ông Thành nói

Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh đồng tình: Quí I vừa qua kết quả kinh doanh của VNA rất khả quan, nhưng hoạt động hàng không có tính mùa vụ cao. Giai đoạn tháng 4 đến tháng 11, nhu cầu đi máy bay thấp, thường hãng hàng không sẽ lỗ, thậm chí lỗ nặng; tháng 12 nếu may lắm thì hòa vốn. Trong quí II tới đây, Vietnam Airlines sẽ cố gắng tiết giảm chi phí, tận thu để giảm lỗ".

Với dòng hoạt động như vậy, ông Minh cho rằng mục tiêu lợi nhuận năm nay là rất thách thức chứ không hề dễ dàng.

ĐHCĐ Vietnam Airlines: Các quí cuối năm nhiều khó khăn, cố gắng giảm lỗ - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh. Ảnh: Vietnam Airlines.

Chiến lược phát triển "dải sản phẩm" của Vietnam Airlines: Đẩy mạnh cả ba "mũi nhọn"

Tổng Giám đốc Dương Trí Thành chia sẻ: Vietnam Airlines định hướng phát triển đồng đều cả ba mảng: Hàng không truyền thống (Full-service), hàng không giá rẻ (Low-cost) và phục vụ các khu vực khó khăn, vùng núi để thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Vận hành Jetstar Pacific (JPA) là một quá trình hết sức gian nan. Năm 2012 khi chính phủ giao VNA tái cấu trúc JPA, chúng tôi thấy có rất nhiều khó khăn. Quá trình tái cấu trúc đến nay đã cơ bản hoàn thành, tuổi đội tàu bay đã giảm đáng kể thông qua SLB các tàu mới hơn.

Kết quả kinh doanh của Jetstar đã và đang có nhiều cải thiện, từ chỗ lỗ nặng đến bớt lỗ, hòa vốn và năm 2018 vừa qua có lãi 34 tỉ đồng. Jetstar – chúng tôi đánh giá – có tương lai, đóng góp cho hoạt động VNA Group nói chung.

Về Vasco, Vietnam Airlines dự định đổi mới đội tàu bay, từ dòng máy bay cánh quạt ATR72 sang các tàu bay phản lực khu vực (Regional Jet) có hiệu quả cao hơn, có thể cạnh tranh với các máy bay phản lực của hàng không giá rẻ, tiến tới mang lại lợi nhuận cao để không phải báo cáo Chính phủ "đây là đường bay công ích".

Lỗ lũy kế 4.000 tỉ của Jetstar không ảnh hưởng tới lợi ích cổ đông Vietnam Airlines

Chủ tịch Phạm Ngọc Minh: Khi VNA mới nhận Jetstar về, hãng này có lỗ lũy kế 2.400 tỉ đồng, cộng dồn đến thời điểm hiện tại là 4.000 tỉ đồng. Đây là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua.

Hôm nay tôi xin trả lời chính xác với quí cổ đông: Lỗ lũy kế của Jetstar Pacific đã được xử lí dứt điểm. Khi Vietnam Airlines chào bán cổ phiếu IPO lên sàn, kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước đã vào kiểm tra và xác định Vietnam Airlines đã xử lí xong khoản lỗ này.

Từ đó đến nay, Jetstar lỗ năm nào thì Vietnam Airlines có trích lập dứt điểm năm đó, rất minh bạch. Nói cách khác lợi ích của cổ đông hiện tại và tương lai không bị ảnh hưởng.

Bay thẳng đến Mỹ không phải "mỏ" lợi nhuận

TGĐ Dương Trí Thành: Vừa qua Cục hàng không Mỹ (FAA) đã cấp chứng nhận hàng không CAT 1 cho Cục hàng không Việt Nam – đơn vị giám sát an toàn bay của nước ta.

Có người hỏi tôi FAA của Mỹ và cơ quan quản lí Châu Âu, ai quản lí an toàn tốt hơn? Tôi muốn nói là không thể so sánh ai hơn ai, cả hai đều rất an toàn, có cách tiếp cận quản lí an toàn khác nhau,Tại sao FAA kiểm tra Việt Nam 10 năm mới cấp CAT1 cho Việt Nam dù chúng ta rất tốt? Là bởi FAA không có người sang để audit chúng ta, họ nhờ Boeing tư vấn cho Việt Nam rồi sau đó FAA cấp phép chính thức. Ngay ngày trao chứng nhận CAT1, người trao là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chứ không phải đại diện của FAA.

Vietnam Airlines đã đáp ứng các tiêu chuẩn bay của Pháp, Đức, …. chỉ riêng với Mỹ là mất nhiều thời gian vì phía Mỹ không có nhân lực.

Ông Phạm Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT từng là Tổ trưởng tổ lập đường bay đến Mỹ khi ông Minh còn làm Phó Tổng Giám đốc thương mại, trải qua 6 lần thay tổ trưởng trong đó có tôi, vẫn chưa thể lập đường bay thẳng đến Mỹ. 

Hy vọng đến phiên ông Lê Hồng Hà (Phó TGĐ VNA) làm tổ trưởng, giấc mơ bay thẳng đến Mỹ sẽ thành hiện thực.

Ông Thành chia sẻ thêm: Tiêu chuẩn bay đến Mỹ rất khắt khe, đòi hỏi rất nhiều thủ tục. Chỉ cần website của VNA không có phần phục vụ người khiếm thính, khiếm thị đặt vé là bị phạt 30.000 USD.

"Tại sao các hãng hàng không Mỹ được cấp phép bay từ lâu rồi nhưng không bay? Delta Airlines và United Airlines đã thử bay thẳng Việt – Mỹ nhưng rồi nghỉ, đó là bởi đường bay thẳng Việt-Mỹ không có tiềm năng lớn về lợi nhuận".

"Tưởng không tác động gì đến Việt Nam mà lại ảnh hưởng ngay đến chính chúng ta"

Năm 2019, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 111.729 tỉ đồng, tăng 12,9% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến 3.362 tỉ đồng, tăng 3,8%.

Tuy nhiên, theo phát biểu của ông Dương Trí Thành tại đại hội, kế hoạch này được đưa ra dựa trên dự báo ngành hàng không năm 2019 tăng trưởng 12% so với cùng kì 2018; trong khi đó thị trường hàng không 4 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 6,9%. Vì vậy nhiều khả năng Vietnam Airlines sẽ phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

Ông Thành cũng nêu ra một khó khăn khác của Vietnam Airlines nói riêng và các hãng hàng không nói chung đó là rủi ro về địa chính trị thế giới.

Năm vừa rồi Vietnam Airlines triển khai đường bay mới sang Châu Âu qua vùng núi Himalaya, mỗi chuyến bay rút ngắn được thời gian 30 phút, về tài chính tiết kiệm được 100 tỉ đồng/năm. Nhưng sau đó giữa Ấn Độ và Pakistan có xung đột chính trị nên Vietnam Airlines phải trở về đường bay cũ. Trong tương lai, khi tình hình trở về ổn định, công ty sẽ lại triển khai đường bay qua Himalaya.

Một vấn đề khác là tình hình quá tải cơ sở hạ tầng hàng không. Ông thành lấy ví dụ: Năm vừa rồi, việc kéo dài thời gian tại sân bay TP HCM làm chi phí của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific tăng thêm gần 300 tỉ đồng.

Ông Dương Trí Thành

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines

  • Có những vấn đề trên thế giới, tưởng chừng không có tác động gì tới Việt Nam nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Vietnam Airlines.


Vietnam Airlines làm sao để giữ chân nhân tài?

Một trong những vấn đề được cổ đông cũng như dư luận quan tâm tại Đại hội lần này là Vietnam Airlines có kế hoạch gì để ngăn tình trạng phi công và các lao động kỹ thuật cao khác của hãng rời bỏ hãng.

Phát biểu tại Đại hội cổ đông sáng nay, Tổng Giám đốc Dương Trí Thành cho biết Vietnam Airlines đang đề xuất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét có cơ chế lương đặc thù cho Vietnam Airlines. Hãng bay này cũng có kế hoạch tăng lương cho đội ngũ phi công và lao động kĩ thuật cao giai đoạn 2020-2025.

Trao đổi với phóng viên vào chiều 4/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật xác nhận Vietnam Airlines có gửi văn bản đến Bộ, phản ánh việc phi công của hãng này nghỉ việc để sang làm cho hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc Tập đoàn FLC), làm ảnh hướng và thiệt hại lớn đối với kế hoạch khai thác đội bay của Vietnam Airlines.

Trước đó, Bamboo Airways cho biết hãng này "nhặt" được một báo cáo dạng photo đóng dấu "Mật", có đóng dấu và chữ kí của lãnh đạo Vietnam Airlines, nội dung văn bản này cáo buộc Bamboo Airways cạnh tranh không lành mạnh, giành giật lực lượng phi công của Vietnam Airlines để phát triển đội bay Boeing 787 của mình. Đồng thời, văn bản này cũng đề nghị Bộ GTVT không cấp phép bay đối với tàu bay Boeing 787 của Bamboo Airways.

Về phần mình, Bamboo Airways có phản ứng khá gay gắt. Hãng này lập tức cũng gửi văn bản đến Bộ GTVT, khẳng định mình tuyển dụng công khai, đúng pháp luật; đồng thời cho rằng yêu cầu của Vietnam Airlines đối với việc không cấp phép đối với máy bay B787 của Bamboo Airways là hoàn toàn thiếu căn cứ.

Trả lời phỏng vấn Zing.vn mới đây, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways cho biết: Nếu Vietnam Airlines không đính chính thông tin về Bamboo Airways, ông có thể sẽ khởi kiện.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật thì cho biết việc người lao động chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác là hoạt động bình thường của cơ chế thị trường, Bộ GTVT cũng không thể can thiệp quá sâu, chỉ có thể kiểm tra xem có dấu hiệu phạm luật hay không.

Vietnam Airlines sẽ làm gì để giảm thiểu tình trạng "chảy máu chất xám" đối với lực lượng phi công nói riêng và các lao động kĩ thuật cao nói chung?

ĐHCĐ Vietnam Airlines: Các quí cuối năm nhiều khó khăn, cố gắng giảm lỗ - Ảnh 5.

Tổng Giám đốc Dương Trí Thành phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Bạch Mộc.

Dự chi gần 3,8 tỉ USD mua 50 tàu bay mới, bán 5 tàu A321CEO cũ

Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình Đại hội lần này là kế hoạch đầu tư mới 50 tàu bay thân hẹp, có thể do Airbus hoặc Boeing sản xuất.

Theo kế hoạch phát triển đội bay giai đoạn 2021-2025 của Vietnam Airlines (bao gồm Jetstar Pacific Airlines), qui mô đội tàu đến năm 2025 dự kiến đạt 135-177 chiếc, trong đó đội tàu bay thân hẹp đạt khoảng 95-120 chiếc.

Theo các hợp đồng thuê, mua và kế hoạch bán tàu bay hiện tại, số lượng tàu bay thân hạn sẽ hết thời hạn thuê, bán thanh lí trong giai đoạn 2021-2025 là 26 chiếc. Số lượng tàu thân hẹp cần bổ sung trong giai đoạn 2021-2025 là từ 50 đến 75 chiếc tùy thuộc vào mức tăng trưởng của thị trường.

Để đảm bảo an toàn trong phương án đầu tư, Vietnam Airlines dự kiến đặt hàng chắc chắn mua (firm order) 50 chiếc có lịch giao từ 2021 đến 2025, và đặt hàng có lựa chọn mua (optional) thêm 50 chiếc nữa với lịch giao linh hoạt. Khi thị trường tăng trưởng theo kịch bản cao, Vietnam Airlines có thể bổ sung tàu bay thân hẹp thông qua phương án thuê khai thác trên thị trường hoặc lập dự án đầu tư thực hiện quyền mua bổ sung.

Tổng mức đầu tư dự kiến cho 50 tàu bay cùng 10 động cơ treo trên cánh là trên 3.763 triệu USD (tương đương khoảng 83.000 tỉ đồng), trong đó nguồn vốn huy động chiếm 36% (tức 1.354 triệu USD), vốn chủ sở hữu chiếm 12,62% (tức 475 triệu USD), nguồn chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm chiếm 51,38% (tức gần 1.934 triệu USD)

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng có kế hoạch bán 5 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2004-2005, giá trị sổ sách từ 3 đến 9 triệu USD.

Kế hoạch thoái vốn Nhà nước, tiềm năng vào VN30

Về cơ cấu cổ đông, hiện tại Nhà nước - thông qua Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - đang giữ 86,19% vốn điều lệ tại Vietnam Airlines, cổ đông chiến lược ANA Holdings đang sở hữu 8,77%, các cổ đông nhỏ sở hữu 5,04% còn lại.

Trao đổi với báo chí tại buổi khai trương giao dịch cổ phiếu HVN tại Sàn giao dịch HOSE ngày 7/5 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Ủy ban đang chỉ đạo cho Vietnam Airlines xây dựng lộ trình trong 2019 - 2020. Theo đó, Nhà nước sẽ thoái 35,19%, giảm tỉ lệ sở hữu về mức 51% từ 86,19% hiện tại.

Song song với kế hoạch thoái vốn xuống còn 51%, công ty cũng sẽ phát hành thêm cổ phần để tăng vốn.

ĐHCĐ Vietnam Airlines: Các quí cuối năm nhiều khó khăn, cố gắng giảm lỗ - Ảnh 7.

Cơ cấu cổ đong của Vietnam Airlines ngày 12/3/2019. Nguồn: Vietnam Airlines.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng với số lượng cổ phiếu và vốn hóa cao, HVN sẽ được sự quan tâm của khối ngoại và các quỹ chỉ số. Tuy nhiên, tỉ lệ free-float (cổ phiếu tự do chuyển nhượng) của HVN khá thấp và gặp nhiều trở ngại trong việc xét vào các bộ chỉ số này.

Cụ thể, cổ phiếu HVN không đủ điều kiện vào quĩ Market Vectors Vietnam ETF do quĩ này đòi hỏi tỉ lệ free-float tối thiểu 10%. Chỉ khi tiến hành thoái vốn Nhà nước xuống dưới 82,4% thì HVN mới có khả năng được xét vào, tuy nhiên nếu trong trường hợp Nhà nước thoái vốn cho đối tác chiến lược tỉ lệ free-float của HVN cũng sẽ không được cải thiện.

Tương tự, chỉ số VN30 cũng đòi hỏi cổ phiếu thành phần có free-float trên 10% và do vậy HVN không đủ điều kiện.

FTSE Vietnam Index ETF là quĩ chỉ số duy nhất HVN đủ điều kiện free float, thời gian sớm nhất HVN được xét vào sẽ là kì tháng 9/2019.

Đức Quyền - Bạch Mộc