|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch Meey Land: Nếu chỉ tập trung vào những phân khúc nhỏ thì doanh nghiệp BĐS rất khó thành công

20:05 | 14/12/2022
Chia sẻ
Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Tập đoàn Meey Land cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam còn nhỏ, nếu chỉ tập trung vào những phân khúc nhỏ thì doanh nghiệp rất khó để thành công. Thị trường không đủ giá trị sẽ khó thu hút lượng vốn đầu tư lớn.

Trên thế giới, thị trường proptech (các công ty công nghệ trong lĩnh vực bất động sản) đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2020 - 2022. Theo số liệu từ công ty tư vấn Future Market Insights Global, thị trường proptech thế giới dự báo sẽ đạt quy mô 18,2 tỷ USD vào năm 2022, và sẽ tiếp tục tăng trưởng 16% mỗi năm, lên mức 86,5 tỷ USD vào năm 2032.

Triển vọng tăng trưởng này đã thu hút một lượng vốn đầu tư lớn, đạt mức kỷ lục 32 tỷ USD trong năm 2021 bất chấp ảnh hưởng của đại dịch và đang tiếp tục tăng nhanh. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng vốn đầu tư vào các proptech toàn cầu đã lên tới 13,1 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ.  

Nằm trong xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, lĩnh vực bất động sản Việt Nam những năm gần đây ghi nhận sự xuất hiện của nhiều startup ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản. Theo PropTech Vietnam Network, tính đến năm 2021, Việt Nam có khoảng 150 startup trong lĩnh vực proptech hoạt động trong các mảng đăng tin, môi giới bất động sản, quản lý tài sản cho thuê ngắn hạn,... Tuy nhiên, việc ứng dụng proptech của các chủ đầu tư Việt Nam hiện nay vẫn còn khá hạn chế.

Phát biểu tại "Diễn đàn Bất động sản 2022: Proptech - Xu thế tất yếu của thị trường" do báo Thanh Niên tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản giúp người mua và người bán gần nhau hơn. Việc kết nối giữa các bên được thuận lợi, đáp ứng những yêu cầu cần thiết và giúp giao dịch bất động sản hiệu quả hơn. 

Nhưng nếu so với các ngành khác, ứng dụng chuyển đổi số trong bất động sản còn chậm và chưa được áp dụng sâu rộng trong hoạt động quản lý, thông tin bất động sản.  

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật liên quan đến thông tin của thị trường bất động sản còn nhiều bất cập và cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường. Liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành với đơn vị tư vấn chuyển đổi số cũng chưa chặt chẽ, đầu tư hạ tầng chuyển đổi số của doanh nghiệp chưa đồng bộ và năng lực con người chưa đủ đáp ứng.

Thứ trướng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. (Ảnh: Thanh Niên).

Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Meey Land nhận định, lĩnh vực bất động sản khó ứng dụng chuyển đổi số hơn các lĩnh vực khác rất nhiều.

Thị trường có nhiều đối tượng tham gia từ ngân hàng, cá nhân, tổ chức, các công ty môi giới, chủ đầu tư và nhiều hoạt động mua - bán, cho thuê, phát triển bất động sản. Vì vậy, để chuyển đổi số cho ngành bất động sản đòi hỏi nhiều phương tiện và công cụ. 

Ông Chung đưa ra 4 nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ chuyển đổi số ở lĩnh vực bất động sản bao gồm: Rào sản gia nhập thị trường, tính minh bạch của thị trường, tính phức tạp của thị trường và thiếu sự đầu tư, nghiên cứu cho việc ứng dụng công nghệ.

"Người làm công nghệ không hình dung hết được thị trường bất động sản và người làm bất động sản không có tư duy của chuyển đổi số thì không thể làm được", ông Chung nói.

Hầu hết vốn đầu tư công nghệ cho bất động sản tập trung ở những quốc gia phát triển. Con số đầu tư cho proptech giai đoạn 2000 - 2019 trên thế giới là 84,4 tỷ USD với hơn 3.000 nhà đầu tư. Trong khi đó, Đông Nam Á là một thị trường sơ khai, số vốn đầu tư cho lĩnh vực này trong năm 2019 mới đạt 72,9 triệu USD.

Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ trong bất động sản hiện chủ yếu là những trang đăng tin, hệ sinh thái proptech phân mảnh nhiều và có những mảng quá hẹp.

Chủ tịch HĐQT Meey Land nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam còn nhỏ, nếu chỉ tập trung vào những phân khúc nhỏ thì doanh nghiệp rất khó để thành công, thị trường không đủ giá trị sẽ khó thu hút lượng vốn đầu tư lớn. Từ đó khó đưa các doanh nghiệp về đích, tăng trưởng nhanh và vươn ra thế giới.

Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Meey Land. (Ảnh: Thanh Niên).

Ông Chung chia sẻ thêm, thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều bất cập chủ yếu liên quan đến giao dịch bất động sản, tính minh bạch, tính pháp lý,... Do đó, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam thực hiện chuyển đổi số.

Theo vị này, cần một hệ sinh thái để có thể giải quyết nhiều khía cạnh của thị trường, đa dạng các nhu cầu từ đó thúc đẩy dòng tiền của các doanh nghiệp lưu thông nhanh hơn. Trước mắt, cần giải quyết vấn đề cung cấp thông tin, thúc đẩy giao dịch và năng lực quản lý bất động sản với tư duy của một nền kinh tế chia sẻ, hướng tới tài chính hóa dựa trên cơ sở đầu tư bất động sản thông minh.

Ông Chung dẫn nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, quy mô thị trường bất động sản Việt Nam năm 2030 dự báo sẽ tăng gấp 6 lần so với 2020, đạt 1.232 tỷ USD. Và theo vị này, đây sẽ là một thị trường màu mỡ nếu biết áp dụng nhanh công nghệ trong hoạt động kinh doanh.  

Đăng Nguyên