|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động đến ngành tài chính

22:30 | 11/05/2018
Chia sẻ
Tại Hội thảo khoa học "Tăng cường năng lực ngành tài chính trong tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ Tài chính tổ chức Ngày 11/5, theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ có tác động đến các lĩnh vực như: Thu ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis), thuế, hải quan…
cach mang cong nghiep 40 se tac dong den nganh tai chinh PTT Vương Đình Huệ: Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải cải cách toàn diện chính sách tiền lương
cach mang cong nghiep 40 se tac dong den nganh tai chinh Người sáng lập Triip.me: 'Tôi ước mình có một cố vấn dày dạn kinh nghiệm!'
cach mang cong nghiep 40 se tac dong den nganh tai chinh

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bùi Tư.

Thu NSNN có thể được tăng cường trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế được cải thiện, năng suất lao động được nâng cao và những hoạt động kinh tế mới phát sinh liên quan tới lĩnh vực công nghệ số; trong khi chi NSNN ở một số nội dung như: Chi bảo vệ môi trường, chi cho bộ máy hành chính Nhà nước… có thể giảm trong bối cảnh CMCN 4.0.

Một số chuyên gia kinh tế cũng băn khoăn CMCN 4.0 cũng gây ra không ít thách thức trong việc xây dựng hệ thống thể chế chính sách tài chính - NSNN, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, theo hướng công khai, minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

“Hệ thống chính sách thuế và thu NSNN phải được điều chỉnh đảm bảo vừa thực hiện tốt các cam kết hội nhập về thuế xuất nhập khẩu theo xu hướng hiện nay. Điều này vừa bao quát các hoạt động kinh tế mới phát sinh trong bối cảnh áp dụng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh; đảm bảo góp phần huy động có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. CMCN 4.0 cũng có thể gây sức ép tăng chi, đặc biệt là chi cho phát triển khoa học công nghiệp, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, chi cho cơ sở hạ tầng”, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính nói.

Theo bà Bình, việc sử dụng công nghệ số có thể tác động ngắn hạn làm tăng tỷ lệ thất nghiệp do lao động sẽ di chuyển từ các ngành truyền thống sang các ngành mới. Nhưng yêu cầu về chất lượng lao động, phát triển nguồn nhân lực sẽ cao hơn, đòi hỏi nguồn lực cho đào tạo lao động. Đồng thời, chi cho đảm bảo an sinh xã hội sẽ tăng lên để giải quyết các vấn đề về thất nghiệp và bất bình đẳng.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, TS Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Ngân hàng Nhà nước cho biết: CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu mới cho các ngân hàng Trung ương trong việc xây dựng các khuôn khổ chính sách mới để quản lý, giám sát tiền ảo và các sản phẩm dịch vụ mới như tài chính công nghệ.

Đặc biệt, sự phát triển của hạ tầng viễn thông trong bối cảnh CMCN 4.0 đặt ra những thách thức mới về bảo mật, an ninh mạng. Điều này đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến tính an toàn và thông tin cá nhân của khách hàng, cũng như có cách thức phòng thủ mới để giám sát an toàn bảo mật mạng.

Làm tốt công tác dự báoTheo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, đến thời điểm này, nền tảng để phát triển CMCN 4.0 tại Việt Nam cả phần cứng và phần mềm đều rất thiếu. Nguồn nhân lực chưa đảm bảo, bởi nếu chỉ có sự cần cù và quyết tâm thì không thể tham gia vào cuộc cách mạng này.

Về chi ngân sách, chúng ta có nguồn lực không nhiều, vì vậy cần phải chọn lựa chi vào đâu. Về thu ngân sách, cần thiết kế hệ thống thuế tương thích với các loại hình kinh doanh mới.

Còn PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam cho hay: CMCN 4.0 có 2 đặc trưng là thông minh và kết nối. Nếu soi vào ngành tài chính thì có 2 vấn đề, kết cấu của nền kinh tế thế nào, ảnh hưởng đến thu chi ra sao? Đặc trưng của CMCN 4.0 làm nảy sinh một số ngành mới gắn với trí tuệ nhân tạo, những ngành này sẽ có đóng góp về thuế, về nguồn lực phát triển?. Vì vậy, cần phải điều chỉnh, xem xét sự chuyển đổi của ngành mới như thế nào, ngành cũ sẽ biến đổi ra sao, kết cấu kinh tế thay đổi, ảnh hưởng tới nguồn thu – chi.

Ngoài ra, xuất phát từ đặc trưng kết nối, các bộ, ngành, cơ quan cần kết nối nhiều hơn trong hoạch định chính sách, chia sẻ dữ liệu và dự báo tầm nhìn trung hạn.

Minh Phương