|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch Louis Holdings ‘thổi giá’ cổ phiếu, thu lời hơn 154 tỷ đồng bằng cách nào?

16:22 | 14/01/2023
Chia sẻ
Ngoài ‘bắt tay’ với Chứng khoán Trí Việt, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings còn lập nhóm trên mạng xã hội để hô hào, thu hút nhiều người tham gia.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Đỗ Thành Nhân, chủ tịch HĐQT CTCP Louis Holdings và 7 bị can về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Trong đó, nhóm lãnh đạo Louis Holdings bị đề nghị truy tố gồm các bị can: Vũ Ngọc Long, Ngô Thục Vũ cùng là nguyên PTổng Giám đốc; Trịnh Thị Thúy Linh, Giám đốc hành chính. 4 người là lãnh đạo và nhân viên CTCP Chứng khoán Trí Việt (Mã: TVB) gồm: Chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Tùng, Tổng giám đốc Đỗ Đức Nam, Phó tổng giám đốc Lê Thị Thu Hương và nhân viên Lê Thị Thùy Liên.

 Ông Đỗ Thành Nhân. (Ảnh: Louis Holdings).

Hệ sinh thái Louis Holdings

Theo cáo trạng, từ năm 2020 – 2021, Louis Holdings đã mua sở hữu, chi phối thêm nhiều công ty. Trong đó, ông Nhân chỉ đạo mua cổ phiếu, thâu tóm một số công ty niêm yết trên sàn chứng khoán đang kinh doanh lỗ, giá trị cổ phiếu thấp, sau đó cho các công ty sở hữu chéo lẫn nhau để tạo hệ sinh thái Louis Holdings.

Hai công ty đầu mối lớn là CTCP Louis Capital (Mã: TGG) và CTCP Công ty Louis Land (Mã: BII) sở hữu cổ phiếu của các công ty có mã chứng khoán: AGM, SMT, VKC, DDV và APG.

Trong đó, ông Nhân đứng tên đại diện theo pháp luật của 3 pháp nhân: CTCP Louis Holdings, CTCP xuất nhập khẩu An Giang (Mã: AGM), CTCP dược Lâm Đồng (Mã: LDP). Các công ty còn lại, ông Nhân sử dụng các cá nhân là cổ đông, bạn bè, nhân viên thân tín đứng tên.

Theo cáo trạng, hoạt động của các công ty thuộc hệ sinh thái Louis Holdings đều do ông Nhân chỉ đạo, điều hành. Trong đó, Công ty Louis Holdings là trung tâm điều phối toàn bộ các hoạt động đầu tư tài chính và cân đối dòng tiền để duy trì hoạt động.

Hoạt động thâu tóm diễn ra như thế nào?

Cuối năm 2020, ông Nhân biết tình trạng CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (sau đổi tên thành CTCP Louis Land - Mã: BII) hoạt động kinh doanh lỗ, nợ xấu, cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết nên đã gặp ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty trên để mua lại 10 triệu cổ phiếu mã BII của ông Dũng.

Để có nguồn tiền thực hiện, thông qua ông Dũng, ông Nhân gặp Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt Đỗ Đức Nam bàn bạc, thống nhất việc dùng nguồn tiền của Công ty Quản lý Tài sản Trí Việt để vay dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán để mua. Ngoài việc trả lãi theo hợp đồng hợp tác đầu tư thì ông Nhân sẽ trả lãi ngoài hợp đồng cho ông Nam 4%.

Đồng thời ông Nhân nhờ ông Nam tư vấn để Nhân mua chi phối, thâu tóm tiếp cổ phiếu mã TGG của CTCP Xây dựng Trường Giang (sau đổi tên thành CTCP Louis Capital – Mã: TGG) do biết công ty này đang kinh doanh lỗ, có nợ xấu và nhờ ông Nam giúp cách “thổi giá” hai cổ phiếu này.

Kịch bản thổi giá và những cái bắt tay

Theo cáo trạng, ông Nhân đã mở hai tài khoản tại CTCP chứng khoán Beta và Công ty chứng khoán Trí Việt và chỉ đạo hàng chục nhân viên, người thân mở tài khoản tại Trí Việt và các công ty khác để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với hai mã cổ phiếu BII và TGG.

Các tài khoản chứng khoán sau khi mở xong đều chuyển về cho ông Nhân và ông Nam sử dụng. Nguồn tiền để thực hiện mua bán, khớp lệnh chủ yếu ông Nhân vay của Công ty quản lý tài sản Trí Việt.

Sau đó, ông Nam sẽ chỉ đạo nhân viện thuộc công chứng khoán Trí Việt sử dụng tài khoản chứng khoán thuộc nhóm ông Nhân thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với hai mã cổ phiếu là BII và TGG.

Không những thế, cuối tháng 8/2021, ông Nhân còn lập nhóm trên mạng xã hội có tên Louis Family có 10.000 người tham gia. Mục đích là để đẩy giá cổ phiếu BII, TGG lên cao khiến hai mã này liên tục tăng trần trong nhiều phiên.

Viện kiểm sát cáo buộc hành vi "thổi giá" mã cổ phiếu, thao túng chứng khoán của ông Nhân và đồng phạm đã thu lợi bất chính hơn 154 tỷ đồng. Trong đó, ông Nhân là người khởi xướng bàn bạc, câu kết với ông Nam thực hiện hành vi phạm tội. 

Lâm Anh

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.