Chủ tịch BaF: Giá heo hơi sẽ duy trì ở mức 70.000 đồng/kg đến quý I/2024, doanh nghiệp chớp thời cơ cải thiện biên lợi nhuận
Nguồn cung thiếu hụt, giá heo sẽ duy trì ở mức cao đến quý I/2024
Sau hơn một năm ngụp lặn dưới đáy, giá heo hơi từ đầu tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến rõ rệt, mức trung bình khoảng 62.000 – 65.000 đồng/kg, cá biệt có thời điểm giá heo đã chạm mốc 68.000 đồng/kg, kết quả tốt nhất từ đầu năm đến nay.
So với tháng 7/2022, giai đoạn đỉnh của giá heo, mức giá hiện nay vẫn thấp hơn khoảng 5%. Tuy nhiên các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng chu kỳ tăng giá của thị trường heo nửa năm 2023 sẽ bền vững và ổn định hơn so với năm 2022.
Trao đổi với người viết, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BaF nhận định sóng heo rớt giá từ quý III/2022 đến tháng 5/2023 là một chu kỳ diễn ra lâu nhất từ trước đến nay khiến nông hộ và trang trại nhỏ lẻ không đủ sức gồng lỗ.
Cùng với đó, dịch tả heo châu Phi vẫn hoành hành ở nhiều địa phương, người chăn nuôi bỏ chuồng, không tái đàn khiến tổng đàn heo trong nước giảm mạnh. Theo khảo sát của công ty BaF, tổng đàn heo dự kiến giảm khoảng 20-25% so với số liệu cuối năm 2022, tức còn khoảng 21,5-23 triệu con.
Ông Bá cho rằng thị trường thịt heo đang rơi vào tình trạng nguồn cung giảm mạnh, điều này là yếu tố hỗ trợ giá.
"Giá heo hơi đang tăng mạnh và sẽ tăng tiếp đến hết năm nay, thậm chí đến quý I/2024, giá vẫn rất tốt. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh, nông dân có động lực tái đàn sau thời gian dài thua lỗ”, ông Trương Sỹ Bá nói.
Chủ tịch BaF dự báo trong vài tháng tới, giá heo sẽ nằm quanh mức đỉnh 70.000 đồng/kg sau đó đi ngang. Nếu tình hình tái đàn khả quan, sớm có thể quý IV/2023 hoặc quý I/2024 giá heo sẽ đảo chiều, song vẫn ở quanh mức 60.000 đồng/kg.
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá heo hơi lên đến 70.000 đồng/kg cũng là điều hợp lý bởi tổng đàn hiện khoảng 26 triệu con theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, thực tế có thể giảm sâu hơn.
“70.000 đồng/kg heo hơi cũng là mức giá khá cao, tạo áp lực cho người tiêu dùng, tuy nhiên cũng phải mức giá đó mới có thể kéo thị trường heo lên sau một năm ảm đạm”, ông Nguyễn Văn Trọng nói.
Vị chuyên gia này dự báo trong ngắn hạn, khoảng nửa cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9 (tháng 7 Âm lịch – tháng Ngâu) giá heo có thể có một nhịp điều chỉnh giảm nhẹ do theo phong tục của người Việt Nam kiêng tổ chức các đám hỉ, sự kiện quan trọng vào tháng cô hồn.
“Cơ bản từ nay đến cuối năm, giá heo sẽ duy trì ở mức cao, dao động trong khoảng 65.000 – 70.000 đồng/kg do nguồn cung chưa thể đáp ứng kịp thời, thời gian tái đàn cần khoảng 6-8 tháng với heo thịt”, ông Nguyễn Văn Trọng dự báo.
Doanh nghiệp nỗ lực tái đàn, chớp thời cơ cải thiện biên lợi nhuận
Ở thời điểm nguồn cung thiếu hụt, giá heo hơi bước vào chu kỳ tăng, những người trụ lại cuối cùng trong cuộc chơi này sẽ hưởng lợi. Đặc biệt khi giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng hạ nhiệt, điều này càng củng cố biên lợi nhuận cho những doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi.
Tạp chí Chăn nuôi dẫn báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy 6 tháng đầu năm, giá ngô hạt giảm nhiều nhất với 5,7%; giá DDGS giảm 3,8%; tuy nhiên, giá cám gạo chiết ly vẫn duy trì ở mức cao so với 2022, tiếp tục tăng 4,7%; giá khô dầu đậu tương tương đương so với cùng kỳ năm 2022.
“Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã giảm 1,2-3,2% so với thời điểm đầu năm 2023, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao so với thời điểm trước dịch COVID-19 và so với cùng kỳ năm 2022. Giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm đang có xu hướng giảm từ nay tới cuối năm 2023 và đầu năm 2024”, Cục Chăn nuôi nhận định.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ khởi sắc nhờ mùa cao điểm du lịch, nông dân và trang trại nhỏ không có hàng bán ra thị trường, nguồn cung chủ yếu đến từ các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có khả năng duy trì tổng đàn. Điển hình như Tập đoàn C.P. Việt Nam, mỗi ngày vẫn đưa ra thị trường khoảng 15.000 – 17.000 con heo.
Một số công ty chăn nuôi trong nước như Dabaco, Nông nghiệp BaF cũng hưởng lợi từ chu kỳ tăng này của giá heo.
Báo cáo ngành chăn nuôi của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết Nông nghiệp BaF đang nỗ lực mở rộng quy mô trang trại nuôi heo để chuẩn bị chuyển dịch kinh doanh từ thương mại các mặt hàng nông sản sang mảng 3F (Feed – Farm – Food).
Trong năm 2023, BaF sẽ xây dựng thêm 19 trang trại mới với quy mô tối đa 5.000 heo nái và 60.000 heo thịt cho mỗi trang trại. Cho tới hết quý I đã có 10 trang trại được khởi công xây dựng.
Ngoài ra, BaF cũng xây dựng thêm các nhà máy cám để đảm bảo tự chủ nguồn thức ăn chăn nuôi. Hiện, BaF đang sở hữu ba nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất lên tới 440.000 tấn/năm, tự chủ 100% nguồn thức ăn đầu vào cho trang trại.
VCBS nhận định việc mở rộng quy mô dự báo sẽ giúp BaF nâng sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2023 lên 392%, sản lượng con giống lên 104%. Doanh thu mảng chăn nuôi dự kiến sẽ đem về cho BaF 4.617 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 236% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận thuần tương ứng khoảng 358 tỷ đồng.
Bộ phận phân tích cũng dự phóng biên lợi nhuận mảng 3F của công ty chăn nuôi này sẽ duy trì trong khoảng 8 – 10% giai đoạn 2023 – 2029.
Một ông lớn khác là Dabaco cũng đang nỗ lực tái đàn với kỳ vọng bắt kịp thời cơ khi giá heo hơi ở mức cao.
Số liệu của VCBS cho biết tính đến giữa tháng 4, tổng đàn heo của Dabaco đạt 120.000 con, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Dabaco đang tái đàn trở lại bằng việc đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào trang trại mới ở Thanh Hóa để nuôi 5.000 lợn bố mẹ và 1.200 lợn ông bà.
Đến tháng 7, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhập thêm 6.000 lợn bố mẹ và nhập tiếp 6.000 lợn ông bà vào cuối năm. Dự kiến đàn lợn sẽ cho ra doanh thu khoảng 3.488 tỷ đồng vào cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết đối với các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, giá thành nuôi heo khoảng 52.000 – 55.000 đồng/kg, do vậy từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp sẽ là đối tượng hưởng lợi nhiều hơn.