|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao giá heo hơi Việt Nam và Trung Quốc biến động trái chiều?

14:35 | 23/06/2023
Chia sẻ
Trước đây khi dịch COVID-19 chưa bùng phát hoạt động mua bán heo qua đường tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc còn sôi động nên giá heo hơi hai nước diễn biến tương đồng với nhau. Tuy nhiên, sau khi xảy ra đại dịch, Trung Quốc siết chặt biên giới nên diễn biến giá heo hơi hai nước trở nên tách bạch.

Giá heo hơi hai nước diễn biến trái chiều

Giá heo hơi tiếp tục đà tăng trong tháng 6. Tính đến ngày 23/6, giá heo hơi giao dịch ở mức cao nhất là 63.000 đồng/kg, tăng 21% so với đầu năm. Đây đồng thời là mức cao nhất trong gần một năm qua. 

Đà tăng giá heo hơi thời gian qua, xuất phát từ việc nguồn cung giảm dần do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và làn sóng bỏ chuồng của người dân khi thua lỗ kéo dài.

H.Mĩ tổng hợp

Trao đổi với người viết ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết nguồn cung ở cả doanh nghiệp và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều giảm. Những doanh nghiệp lớn có thể duy trì hoặc đàn giảm nhẹ, nhưng với doanh nghiệp vừa - nhỏ và các hộ nhỏ lẻ thì không thể theo đuổi việc chăn nuôi heo nữa vì thua lỗ trong suốt thời gian dài. 

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco (mã: DBC) cho rằng giá heo hơi “dứt khoát phải đi lên” trong bối cảnh tổng đàn giảm mạnh do dịch tả heo Châu Phi và người chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng vì thua lỗ. Ông So ước tính tổng đàn heo hơi cả nước còn khoảng 23 triệu con, giảm so với mức bình thường 28 - 29 triệu con. 

Bên cạnh nguồn cung giảm, nhu cầu cũng tăng lên nhờ lượng khách du lịch tăng lên. Hai yếu tố này cộng gộp giúp hỗ trợ giá heo. 

Hiện tại giá thành heo của các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín là khoảng 54.000 - 55.000 đồng/kg còn hộ nhỏ lẻ khoảng 60.000 đồng/kg. Như vậy với mức giá hiện tại, các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp đều có lãi. 

Tuy nhiên, trái diễn biến ở thị trường nội địa, thị trường heo hơi ở Trung Quốc lại khá trầm lắng. Tính đến ngày 23/5, giá heo hơi Trung Quốc ở mức 14,17 Nhân Dân Tệ/kg (khoảng 46.400 đồng/kg). Mức giá này gần như không đổi so với hồi đầu tháng 4 và thấp hơn so với mức giá 16,5 Nhân Dân Tệ/kg hồi đầu năm. 

 Nguồn: Zhuwang (H.Mĩ Việt hoá)

Như vậy, giá thịt heo Trung Quốc và Việt Nam không còn biến động đồng pha chặt chẽ giống như trước đây. Lý giải cho điều này, ông Trọng cho biết trước đây khi dịch COVID-19 chưa bùng phát hoạt động mua bán heo qua đường tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc còn sôi động nên giá heo hơi hai nước diễn biến tương đồng với nhau, nhất là khu vực miền Bắc. 

Tuy nhiên, sau khi xảy ra đại dịch COVID-19, Trung Quốc siết chặt kiểm soát biên giới, đường mòn lối mở nên diễn biến giá heo hơi hai nước trở nên tách bạch và chủ yếu dựa vào cung - cầu thị trường nội địa. 

Tại Trung Quốc, thời gian qua nhu cầu của nước này ở mức thấp, do đó, sức ép lên giá heo hơi rất lớn.

“Trung Quốc có điểm mạnh là họ có kho dự trữ chiến lược quốc gia giúp điều tiết giá heo hơi. Thời gian qua, nhờ có kho này nên giá heo hơi duy trì ổn định, đà giảm được kiềm chế”, ông Trọng cho biết. 

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, mới đây, Trung Quốc tuyên bố sẽ dự trữ thịt heo để tái bổ sung vào kho dự trữ quốc gia, do chỉ số giám sát giá thịt heo đã giảm xuống mức cảnh báo. Đây là lô thịt heo đông lạnh thứ hai trong năm 2023 được thu mua và đưa vào kho dự trữ quốc gia.

Tuy nhiên, về trung hạn, nhu cầu thịt heo của Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi. Hiện tại, đã xuất hiện những tín hiệu tích cực cho thấy nhu cầu thịt của Trung Quốc tăng lên. 

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 5, nước này nhập khẩu 140.000 tấn tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.  Luỹ kế 5 tháng, nước này nhập khẩu 810.000 tấn, tăng 17% so với cùng kỳ. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Nhu cầu nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục tăng trong quý II/2023 nhờ nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sản xuất thịt heo của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhẹ do nhu cầu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ. Và xuất khẩu của nước này được dự báo tăng do việc nới lỏng kiểm soát biên giới ở thị trường Nhật Bản và Hong Kong được dự đoán sẽ kích thích nhu cầu từ khách sạn, nhà hàng và khu vực thể chế đối với các sản phẩm thịt heo chế biến từ Trung Quốc.

Giá có lãi nhưng hộ nhỏ lẻ vẫn chưa mặn mà

Theo ông Trọng, dù giá heo hơi bắt đầu cho người chăn nuôi nhỏ lẻ lợi nhuận nhưng tâm lý tái đàn lúc này vẫn khá dè dặt. Việc tiếp cận vốn tín dụng hiện rất khó khăn bởi chăn nuôi thời gian qua là lĩnh vực có nhiều rủi ro. 

Bên cạnh đó, giai đoạn khó khăn vừa qua cũng là bài học lớn cho những hộ nhỏ lẻ về xu hướng chuyển dịch sang chăn nuôi chuyên nghiệp khép kín. Bởi, với mô hình khép kín, người chăn nuôi mới có thể đảm bảo tốt hơn an toàn dịch bệnh và tiết kiệm chi phí nuôi.

“Nếu không chuyên nghiệp, không làm theo chuỗi thì cũng không tồn tại được, không nên khuyến khích họ chăn nuôi”, ông nói. 

Hiện, thị phần chăn nuôi heo theo quy mô nông hộ cũng đã thu hẹp dần. Trước đây, tỷ trọng chăn nuôi nông hộ chiếm tới 70% nguồn cung thịt heo tuy nhiên con số này hiện đã co hẹp xuống còn khoảng 50%. 

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp lớn trong ngành, trong tương lai, tỷ trọng này sẽ co hẹp xuống còn 20 - 30% và đây là cơ hội cho chăn nuôi công nghiệp phát triển.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) cho biết: “Chúng tôi đang tận dụng cơ hội này, đón sóng chăn nuôi nhỏ lẻ giảm. BAF không hướng tới cạnh tranh gay gắt với phân khúc doanh nghiệp FDI . Nhiều người cho rằng chúng tôi cạnh tranh với FDI nhưng không phải, chúng tôi đang lấy thị phần mà các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cho đến khi nào lấy hết rồi thì mới thực sự cạnh tranh với phân khúc bên trên”.

Theo ông không chỉ BAF mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tận dụng làn sóng này để giành giật thị phần. Trong kịch bản tỷ trọng các hộ nuôi nhỏ lẻ giảm về 30% thì dư địa để các doanh nghiệp mở rộng thêm đàn tương đương với khoảng 10 triệu con. 

“Trong 7 - 10 năm nữa, cạnh tranh chăn nuôi công nghiệp sẽ rất khốc liệt”, ông Bá nhận định. 

Trong báo cáo mới đây, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng mô hình chăn nuôi hiện đại của các doanh nghiệp lớn như Dabaco có thể tiếp tục giành thị phần từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống nhờ có chi phí sản xuất cạnh tranh, vốn lưu động dồi dào để ứng phó với các giai đoạn bất lợi. Đồng thời, các công ty con có thể hoàn thiện chuỗi giá trị trong tương lai. 

H.Mĩ

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.