Chủ sở hữu Sá Xị Chương Dương chìm sâu trong thua lỗ vì COVID-19
Vừa qua, CTCP Nước giải khát Chương Dương (Mã: SCD) đã công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần gần 4 tỷ đồng, chưa bằng 1/8 cùng kỳ năm trước; lỗ ròng hơn 18 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước doanh nghiệp còn lãi ròng hơn 1,4 tỷ đồng.
Đây là quý thứ ba liên tiếp công ty ghi nhận lỗ trong hoạt động kinh doanh. Lũy kế 9 tháng, Nước giải khát Chương Dương ghi nhận doanh thu thuần hơn 88 tỷ đồng, giảm 14,5% so với cùng kỳ; lỗ ròng hơn 32,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi hơn 3 tỷ đồng.
Doanh thu của công ty trong quý III chủ yếu dựa vào mảng bán hàng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên thị trường bán lẻ, phần doanh thu của doanh nghiệp đã giảm một cách rõ rệt.
Trước đó, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông trong tháng 4, lãnh đạo công ty cũng khẳng định các làn sóng đại dịch COVID-19 đã bóp nghẹt nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp.
Theo báo cáo gửi cổ đông, ban lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy mạng lưới phân phối và bán hàng suy giảm theo ngành hàng. Chương Dương chưa có đủ nguồn lực và khả năng phục hồi như những công ty đứng đầu thị trường nước giải khát.
Năm 2021, Chương Dương đặt mục tiêu doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt 295 tỷ đồng và 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, với những gì đã ghi nhận được cho tới hết quý III, Chương Dương có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đạt được mục tiêu đã đề ra.
Tính tới hết ngày 30/9, tổng tài sản Chương Dương đạt hơn 357 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp ghi nhận khoản tiền và tương đương tiền hơn 59 tỷ đồng, giảm hơn 13 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, chiếm 16,5% tổng tài sản.
Tính tới hết quý III, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 197 tỷ đồng, chiếm hơn 55% tổng nguồn vốn. Trong đó, các khoản vay và nợ thuê tài chính lên tới gần 180 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 159 tỷ đồng với khoản lỗ ròng chưa phân phối hơn 29,5 tỷ đồng.
CTCP Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc tập đoàn B.G.I (Pháp), một trong những đơn vị sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn trước năm 1975.
Tới năm 1977, tập đoàn BGI bàn giao toàn bộ nhà máy cho Nhà nước Việt Nam với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương trực thuộc Công ty Rượu Bia Miền Nam. Tới năm 1993, công ty đổi tên thành Công ty Nước giải khát Chương Dương trực thuộc Tổng Công ty Rượu, Bia, Nước giải khát Việt Nam.
Năm 2004 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Chương Dương. Công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Nước Giải Khát Chương Dương, hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với tỷ lệ góp vốn từ Tổng Công ty Bia Rượu NGK Sài Gòn (Sabeco) là 51%. Sau đó tăng lên 61,9% vào năm 2012. Tính đến năm 2020, SABECO vẫn là cổ đông lớn nhất của Chương Dương với tỷ lệ sở hữu 62,06%.
Hiện tại, người giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Chương Dương là ông Neo Gim Siong Bennett, cựu lãnh đạo Sabeco. Trong khi đó, Tổng Giám đốc là ông Neo Hock Tai Schubert, người từng làm việc cho tập đoàn ThaiBev, đơn vị đã thâu tóm Sabeco từ cuối năm 2017.
Sản phẩm nổi tiếng nhất của doanh nghiệp, sau này đã trở thành biểu tượng cho Chương Dương chính là Sá Xị Chương Dương. Dù vậy, trong cuộc đua giành thị phần lĩnh vực nước giải khát, Sá Xị Chương Dương lại thất thế so với những ông lớn như Pepsi, Coca-Cola,… Dần dần, cái tên Sá Xị Chương Dương cũng không còn được chú ý đến nhiều như những sản phẩm khác phổ biến hơn trên thị trường.