|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ quan, thờ ơ với yêu cầu từ Trung Quốc dẫn đến mực tồn ở Quảng Nam, cá nục tồn ở Quảng Trị

18:04 | 08/08/2019
Chia sẻ
Bộ Công Thương đã có cảnh báo về thủ tục trao đổi chính ngạch của Trung Quốc nhưng một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì cách bán hàng thông qua trao đổi cư dân hoặc thờ ơ không triển khai theo yêu cầu xuất khẩu từ phía đối tác.

Tại cuộc họp với Cục Xuất nhập khẩu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh diễn ra sáng 7/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết từ giữa năm 2018, Bộ Công Thương đã có công văn gửi 63 tỉnh thành để cảnh báo về thủ tục trao đổi chính ngạch của Trung Quốc, về nguồn gốc, vùng trồng, đăng kí nhà sản xuất, nhà xuất khẩu... 

Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chủ quan, thờ ơ không triển khai theo yêu cầu xuất khẩu từ phía đối tác, nhất là thủy sản. Cho nên mới dẫn đến câu chuyện mực tồn ở Quảng Nam, cá nục tồn ở Quảng Trị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn chứng cả nước có hơn 680 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang quốc gia láng giềng và Trung Quốc cho phép 128 loại thủy sản được xuất khẩu vào nước này.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì cách bán hàng thông qua trao đổi cư dân để đến khi thay đổi thì không thể xuất khẩu được nữa.

Thực tiễn cũng cho thấy, tỉnh nào vào cuộc triển khai theo yêu cầu xuất khẩu từ phía đối tác thì sản phẩm nông sản của tính đó bán rất tốt. "Bắc Giang, 3 vụ vải gần đây xuất khẩu rất thuận lợi, xoài Sơn La làm ra không đủ, đến bán quả nhãn cũng vậy, chúng ta đã tiêu thụ được hết, không thừa quả nào. 

Nếu như tỉnh và các doanh nghiệp cùng vào cuộc cùng tuân thủ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp thì câu chuyện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có thế đã tốt hơn chứ không chỉ dừng lại ở kết quả của 6 tháng đầu năm", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

6

Một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì cách bán hàng thông qua trao đổi cư dân Trung Quốc.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt gần 1,5 tỉ, giảm 1,7% so với cùng kì năm 2018.

Mức giảm không đáng kể nhưng ảnh hưởng, báo hiệu ngành hàng cần quan tâm, thay đổi. Ngoài nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ từ phía Trung Quốc yếu đi, thì hiện nay, Trung Quốc chuyển mạnh từ trao đổi cư dân sang trao đổi chính ngạch.

Do đó, theo đại diện Bộ Công thương khi chuyển sang chính ngạch, đề nghị Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương mở rộng hơn nữa diện mặt hàng rau quả được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. 

Như Huỳnh