Chu kỳ đi xuống của ngành vận tải hàng hóa toàn cầu có thể đã tạo đáy?
Khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu đã giảm 1,1% trong ba tháng đầu năm 2023 so với một năm trước đó, theo Cục Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan.
Nhưng nếu xét riêng từng tháng, khối lượng vận chuyển hàng hoá đang cho thấy sự tăng trưởng. Theo đó, trong tháng 3, khối lượng tăng 0,2% so với năm trước, sau khi giảm 2,5% trong tháng 2 và 1,2% trong tháng 1. Điều này cho thấy đáy của chu kỳ đi xuống của ngành vận tải đã hình thành.
Sản lượng vận tải container hàng hải của Singapore đã tăng lên mức kỷ lục 3,26 triệu TEU trong tháng 4 và cao hơn 7% so với một năm trước.
Tại sân bay Heathrow của London, lượng hàng hóa vẫn giảm 7% trong ba tháng từ tháng 2 đến tháng 4 so với một năm trước đó, nhưng mức giảm nhỏ hơn nhiều so với 14% trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái.
Tại Narita ở Nhật Bản, vận tải hàng không đã giảm 22% trong ba tháng từ tháng 1 đến tháng 3, thấp hơn so với mức giảm 26% trong khoảng thời gian từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023.
Tại Mỹ, có ít dấu hiệu cho thấy chu kỳ sản xuất và vận chuyển hàng hóa đang gần đến đáy do quy mô và vị trí trung tâm của quốc gia trong nền kinh tế thế giới khiến triển vọng trở nên kém rõ ràng hơn.
Các tuyến đường sắt của Mỹ đã vận chuyển 3,1 triệu container trong ba tháng đầu năm 2023 so với 3,4 triệu trong cùng kỳ năm 2022.
Các công ty vận tải đường bộ nước này cho biết mức độ hoạt động đã giảm dưới 1% trong ba tháng đầu năm 2023 nhưng riêng trong tháng 3, mức độ giảm là 5%.
Tại 9 cảng container lớn nhất của Mỹ, số lượng container vận chuyển được xử lý đã giảm 16% trong tháng 4 và 17% trong 4 tháng đầu năm 2023 so với năm trước.
Chi phí vận chuyển container bằng đường biển đã ổn định hơn kể từ giữa tháng 3 sau khi giảm gần như liên tục trong một năm, theo chỉ số container toàn cầu của Freightos Baltic Exchange (FBX).
FBX là chỉ số container vận chuyển hàng ngày do Sàn giao dịch Baltic và nền tảng đặt tàu vận tải - thanh toán Freightos phát hành. Chỉ số này đo lường giá cước container toàn cầu bằng cách tính giá giao ngay cho container 40 feet trên 12 tuyến thương mại toàn cầu.
Trong năm ngoái, vận tải hàng hóa toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi hàng tồn kho dư thừa do chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp đã chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ sau đại dịch.
Lạm phát dai dẳng, lãi suất tăng và lo ngại gia tăng về suy thoái kinh tế sắp xảy ra cũng khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp thận trọng hơn trong chi tiêu.
Dữ liệu gần đây nhất cho thấy khối lượng vận chuyển hàng hóa có thể đã ổn định hoặc cải thiện vào cuối quý đầu tiên và đầu quý II.
Hoạt động sản xuất và vận tải hàng hóa phục hồi sẽ giúp ổn định mức tiêu thụ dầu diesel và các loại dầu nhiên liệu khác trên khắp các nền kinh tế lớn, giúp hỗ trợ cho giá dầu.
Giá dầu thô, khí đốt và điện thấp hơn so với giữa năm 2022 sẽ giảm bớt một số áp lực đối với sức chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, hỗ trợ sự phục hồi dần dần.
Nhưng sự phục hồi ở Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 trong quý đầu tiên của năm 2023 không được như kỳ vọng, điều này đã làm mất đi một số động lực của nền kinh tế toàn cầu.
Hàng tồn kho của doanh nghiệp vẫn ở mức cao trên khắp Bắc Mỹ và Châu Âu đi kèm với độ trễ của tác động từ việc tăng lãi suất, điều kiện tín dụng thắt chặt hơn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ tiếp tục gây áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp trong ít nhất sáu tháng tới.
Nếu đây là một bước ngoặt đối với thị trường vận tải hàng hóa, thì lạm phát phải sớm giảm bớt để tránh áp lực về lãi suất cao hơn nhiều. Điều này tiềm ẩn rủi ro của một đợt suy giảm khác của ngành vận tải hàng hoá.