|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chính sách thuế BAT: Mối lo của xuất khẩu Việt

08:29 | 19/02/2017
Chia sẻ
Deutsche Bank dự báo Việt Nam sẽ bị thiệt hại gần 5% GDP do tác động của BAT.

Khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ và cho biết ý định sẽ cải cách thuế theo hướng bảo hộ trong nước, siết lại hàng nhập khẩu, nhiều người đã đinh ninh rằng, chính sách thuế điều chỉnh biên giới (Border Adjustment Tax - BAT) là do ông Trump đề xuất.

Thực ra, người soạn thảo nội dung cho BAT lại là hai nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa (một người là Chủ tịch Hạ viện Mỹ và một người là Chủ tịch Hội đồng thương mại Hạ viện Mỹ). Cả hai hoàn tất và công bố bản dự thảo này từ đầu năm ngoái. Ông Trump chỉ là người có cùng quan điểm về cải cách thuế với hai người kia. Nhưng với sự ủng hộ của Tổng thống, giới phân tích dự đoán, BAT có khả năng sẽ sớm được Quốc hội Mỹ thông qua ngay trong năm nay.

Nội dung chi tiết về BAT có thể sẽ còn được điều chỉnh vào giờ chót. Nhưng dù thế nào, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chính sách thuế sắp tới của Mỹ sẽ vẫn xoáy vào 3 mục tiêu lớn: khuyến khích các công ty ở lại Mỹ; hạn chế tình trạng các công ty đầu tư ra nước ngoài (để hưởng thuế suất thấp và bán hàng trở lại vào Mỹ); giảm tình trạng thâm hụt thương mại và ngân sách.

Để làm được điều này, Mỹ dự kiến sẽ miễn thuế đối với phần lợi nhuận ở nước ngoài cũng như sẽ giảm hàng loạt thuế cho doanh nghiệp (thuế kinh doanh liên bang, thuế thu nhập liên bang, thuế xuất cảng…).

Ngược lại, những hàng hóa, dịch vụ của nước khác vào Mỹ sẽ bị đánh thuế biên giới 20%. Đặc biệt, nếu công ty nào phụ thuộc nguồn cung ứng từ nhập khẩu, hàng hóa của công ty đó sẽ không được khấu trừ giá vốn khi tính thuế.

Thuế thu nhập doanh nghiệp lúc này tuy danh nghĩa giảm về mức 20% nhưng vì không được khấu trừ, thuế thực sự bị đội lên rất nhiều. Đây mới chính là điểm huyệt để các công ty Mỹ e sợ. Một khi BAT được triển khai, báo cáo của Deutsche Bank nhận định, Mexico sẽ là nạn nhân lớn nhất. Kế đó là Việt Nam, với thiệt hại ước lên gần 5% GDP. Nhưng lưu ý rằng mức thiệt hại ước tính này chưa tính đến yếu tố điều chỉnh tỉ giá.

chinh sach thue bat moi lo cua xuat khau viet

Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 38,5 tỉ USD. Trong đó, dệt may, da giày, túi xách, sản phẩm điện tử, gỗ và thủy sản là những mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ nhiều nhất.

Nếu được áp dụng, BAT sẽ tác động đến những ngành này. Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, mức độ tác động của BAT lên từng ngành nghề sẽ rất khác nhau, tùy theo độ co giãn nhu cầu đối với hàng hóa Việt, tùy vào khả năng cạnh tranh, thay thế của hàng Mỹ và còn tùy vào thay đổi tỉ giá.

Đối với ngành dệt may, theo đánh giá của ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Saigon (Garmex Saigon - GMC), sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi BAT. Lý do vì dệt may là ngành thâm dụng lao động trong khi chi phí nhân công của Mỹ cao hơn nhiều lần so với Việt Nam.

Bởi thế, dù hàng may mặc Việt Nam có bị đánh thuế nặng thêm thì may mặc của Mỹ cũng không thể rẻ hơn để các công ty Mỹ có động lực tham gia vào sản xuất thay thế. Trong khi đó, đặc điểm nhân công giá rẻ, lao động lành nghề… sẽ giúp các ngành như dệt may, da giày, điện tử của Việt Nam có ưu thế hơn các đối thủ đến từ nước ngoài, để thâm nhập sâu thêm vào Mỹ.

Mặc dù vậy, VDSC cho rằng, các doanh nghiệp, nhất là các công ty FDI sẽ thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư tương lai. Mỹ đang là thị trường của những rủi ro khó lường. Đa dạng hóa thị trường sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế được rủi ro này. GMC dự tính sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới.

Trong đó, GMC đặc biệt quan tâm thị trường Nga khi cử riêng người phụ trách. Ông Hùng cũng cho biết, GMC vẫn tiếp tục đầu tư cải thiện năng suất, tập trung vào những sản phẩm khó, phức tạp, các đối thủ chưa quen làm cũng như nâng cấp thiết kế. Bởi trong tương lai, khi thuế tăng thêm, các đối thủ của may mặc Việt Nam ở Mỹ có thể không còn là Trung Quốc mà sẽ là Campuchia, Lào, Myanmar... Những quốc gia này hiện có chi phí sản xuất rẻ hơn Việt Nam, lại hưởng lợi hơn về thuế, tỉ giá...

chinh sach thue bat moi lo cua xuat khau viet

Đối với ngành thủy sản, ảnh hưởng của BAT là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một đại diện doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, ảnh hưởng này sẽ không quá lớn. Thứ nhất, con cá tra của Việt Nam đã trải qua rất nhiều thử thách, từ rào cản thương mại, các chương trình giám sát, thuế chống bán phá giá, các vụ kiện... trước khi vào được đất Mỹ.

Với bao chướng ngại đó, hiện chỉ còn vài công ty Việt Nam xuất khẩu cá tra là trụ lại được tại thị trường này. Họ đủ năng lực để suy tính giải pháp vượt qua khó khăn từ thuế tăng. Về phía người dân xứ cờ hoa vẫn chọn lựa con cá da trơn, đứng trong top đầu các loại cá được ưa thích tiêu thụ nhất tại Mỹ, theo Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI).

Trong đó, hầu hết nhu cầu cá da trơn của Mỹ đều do Việt Nam cung cấp. Mỹ không thể nào chối bỏ thực tế đó và càng không thể ngay lập tức tìm kiếm được các công ty nội địa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cá da trơn cho Mỹ.

Tuy nhiên, điều khiến doanh nghiệp Việt Nam yên tâm hơn cả là đi cùng với áp dụng BAT, tỉ giá chắc chắn sẽ thay đổi, theo hướng có lợi cho các công ty. Cụ thể, khi Mỹ áp BAT, hàng hóa Việt Nam vào Mỹ sẽ khó khăn hơn, khiến nguồn thu USD của Việt Nam từ bán hàng cho Mỹ bị sụt giảm.

Trong khi đó, với chiến lược đẩy mạnh bán hàng Mỹ ra các nước, cả thế giới trong đó Việt Nam sẽ cần nhiều USD hơn để mua hàng. Tất cả tạo ra hiệu ứng tăng giá đối với USD. Giới phân tích cho rằng, khi USD tăng lên đáng kể, sẽ đủ bù đắp và cân bằng được những chênh lệch từ thuế tăng. Còn các nhà xuất khẩu Mỹ sẽ không thể vui nổi khi giá trị xuất khẩu quy đổi ra USD bị suy giảm.

Một lưu ý khác là tác động của thuế thường đến từ từ, trong khi biến động đồng USD luôn diễn ra ngay lập tức, phản ánh trực tiếp vào giá cả hàng hóa trên thị trường. Lúc này, lợi thế lại nghiêng về các nhà nhập khẩu vào Mỹ, còn nền xuất khẩu Mỹ đứng trước nguy cơ suy yếu. Đây có lẽ là điều mà Mỹ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi triển khai BAT. Dù vậy, theo VDSC, một kế hoạch dự phòng về BAT từ bây giờ vẫn rất cần thiết.

Viết Nguyên