|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính sách lãi suất nào có lợi cho tăng trưởng kinh tế?

15:58 | 21/07/2017
Chia sẻ
Việc giảm lãi suất được sự ủng hộ từ tín hiệu thị trường nhưng vẫn là sự nỗ lực rất lớn của các ngân hàng trong bối cảnh huy động vốn không hề dễ dàng trước áp lực từ các kênh đầu tư khác.

Lãi suất quá thấp liệu có thực sự tốt?

Theo thông tin tổng hợp từ hoạt động các ngân hàng (NH), hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 8-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Như vậy, thực hiện chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Trong đó có những NH giảm lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên mạnh hơn so với yêu cầu đặt ra, cũng có những NH mạnh dạn giảm lãi suất cho cả kỳ hạn dài hơn. Thậm chí có NH giảm lãi suất cho tất cả các doanh nghiệp (DN) có năng lực tài chính tốt không phân biệt trong lĩnh vực nào. Đây là mặt bằng lãi suất thấp nhất trong chục năm trở lại đây.

chinh sach lai suat nao co loi cho tang truong kinh te
Với nỗ lực của các NH, mặt bằng lãi suất mới được thiết lập thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây

Khi thị trường vốn chưa phát triển, cung - cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh cả ngắn hạn, lẫn trung, dài hạn vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng thì ý nghĩa của chính sách lãi suất thấp càng lớn. Song cũng có ý kiến thẳng thắn nhận xét, tuy các NH khá chủ động giảm lãi suất nhưng có “chút” gượng ép. Là thành viên của Chính phủ, trước sự quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng bằng nhiều giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ngân hàng Nhà nước buộc phải có động thái chính sách cho chủ trương này.

Tất nhiên, việc giảm lãi suất cũng được sự ủng hộ từ tín hiệu thị trường nhưng vẫn là sự nỗ lực rất lớn của các NH trong bối cảnh huy động vốn không hề dễ dàng trước áp lực từ các kênh đầu tư khác. Do đó nhiều chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất thấp gượng ép như vậy chỉ nên giữ trong ngắn hạn để giải quyết tình huống, còn nếu duy trì quá lâu có thể lại phản tác dụng gây bất ổn, thậm chí là bất ổn nghiêm trọng nếu tín dụng tăng trưởng nóng, dòng tiền chảy vào những lĩnh vực rủi ro mà NH khó kiểm soát được.

Hơn nữa, việc duy trì chính sách lãi suất thấp chỉ giúp tăng trưởng kinh tế tốt trong ngắn hạn, về lâu dài điều này sẽ mang lại rủi ro nhiều hơn. “Lãi suất sẽ tăng lên khi lạm phát tăng trở lại. Lúc này, những bất cập từ chính sách trên mới bắt đầu bộc lộ. Do trước đó tiền rẻ bơm ra nhiều, khuyến khích người vay mượn đầu tư lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, bong bóng tài sản xuất hiện… và câu chuyện sẽ giống thời kỳ 5 năm trước. Hệ lụy từ chính sách này sẽ bắt đầu từ cuối năm sau hoặc sang năm 2019 có thể sẽ là lúc nhìn thấy hậu quả rõ nhất ” - một chuyên gia khuyến cáo.

Không tốt cho tăng trưởng bền vững

Trả lời câu hỏi trên, TS. Trần Du Lịch cho rằng, do NH và khách hàng tự thỏa thuận chứ chúng ta không thể làm thay NH được. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất và rủi ro có sự tương quan. Lãi suất cho vay sẽ thấp khi độ rủi ro thấp và ngược lại. Do đó, ngay cả đối với DN trong lĩnh vực ưu tiên có được hưởng chính sách lãi suất thấp thì cũng không thể áp dụng đại trà được.

Nếu những DN thuộc đối tượng trên có năng lực tài chính tốt, xứng đáng được hưởng lãi suất tốt. Còn nếu DN mà yếu kém, dù hoạt động trong lĩnh vực này, NH phải rất cẩn thận xét trên góc độ rủi ro. Xét cho cùng NH luôn phải đong đếm độ rủi ro để đảm bảo cho vay có lãi, mà không phát sinh nợ xấu.

Quay trở lại câu chuyện chính sách lãi suất thấp, TS. Võ Trí Thành nhận định, chính sách này chỉ phát huy hiệu quả và hạn chế thấp nhất rủi ro khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp và sự lành mạnh ổn định của hệ thống NH. Hiện tại, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, các yếu tố trên đều chưa thực sự bền vững.

Đơn cử, với hệ thống NH Việt Nam tuy đã có những cải thiện nhất định về sự lành mạnh tài chính nhưng vẫn còn không ít vấn đề lớn, quan trọng cần phải thực hiện quyết liệt hơn để tạo tấm khiên chắn trước bất ổn rủi ro cho hệ thống như: quản trị rủi ro, áp dụng thông lệ quốc tế tốt qua Hiệp ước Basel 2, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Vấn đề xử lý nợ xấu tuy đã có cơ chế nhưng chúng ta sẽ mất vài ba năm nữa.

Chúng ta đều biết, nếu không gắn với lành mạnh NH, ổn định vĩ mô thì vốn rẻ đưa ra có thể còn làm méo mó thị trường khi dòng tín dụng đó không chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo giá trị gia tăng đảm bảo tăng trưởng bền vững mà có thể lại chuyển hóa vào lĩnh vực mang tính đầu cơ. Đầu cơ không phải là cái gì quá xấu nhưng nếu nó bị đẩy quá mạnh thì rõ ràng giảm tính hiệu quả và cũng có thể làm tăng rủi ro bất ổn vĩ mô.

Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia lưu ý thêm: tuy chính sách tiền tệ phải thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng bên cạnh đó vẫn phải luôn đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của chính sách tiền tệ đã, đang và sẽ tiếp tục phải duy trì thực hiện. Do đó, NHNN cân nhắc thời điểm để có điều chỉnh chính sách lãi suất cho phù hợp.

Trước bối cảnh hội nhập đang thay đổi, TS. Nguyễn Đức Thành đề xuất cần xem xét lại cách thức tăng trưởng. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công cộng, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô... có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách.

Một chuyên gia khác khuyến nghị: Việc mở rộng cung tiền quá nhanh trong giai đoạn vừa qua đã khiến tỷ lệ M2/GDP đã tăng lên 146% năm 2016, so với tỷ lệ 80% năm 2006 và 114% năm 2010. Do đó, NHNN vẫn cần thận trọng với khả năng lạm phát có thể tăng trong thời gian tới, khi chính sách mở rộng tín dụng với lãi suất thấp có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế…

Hà Thành