|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chính sách ghép đơn là gì và tại sao xuất hiện trường hợp tài xế Now phản đối chính sách ghép đơn của hãng?

14:28 | 19/04/2021
Chia sẻ
NowFood gần đây xuất hiện vụ việc bị tài xế tố bắt ép nhận đơn ghép. Hiện, các đơn vị giao đồ ăn như GrabFood, NowFood hay Baemin đang áp dụng chính sách ghép đơn kể trên.
Tại sao các tài xế phản đối chính sách ghép đơn? - Ảnh 1.

Các tài xế NowFood chờ giao hàng cho khách. (Ảnh: Ngolongnd)

Để tối ưu hóa hiệu suất giao hàng và giảm thiểu thời gian khách hàng chờ đợi đơn, các đơn vị giao đồ ăn liên tục phải thử nghiệm và thực hiện các chính sách giao vận. Trong số đó có chính sách ghép đơn hàng dành cho các tài xế.

Theo đó, khách hàng có thể cùng lúc đặt món ăn mình muốn từ nhiều nhà hàng, quán ăn khác nhau cùng lúc, thay vì lần lượt đặt và chờ kết thúc từng đơn hàng như trước đây. Hoặc, tài xế có thể nhận từ hai đơn hàng cùng một nhà hàng, quán ăn để giao cho từ hai khách hàng khác nhau.

Theo tìm hiểu, các đơn vị giao đồ ăn như GrabFood, NowFood hay Baemin hiện đang áp dụng chính sách ghép đơn kể trên.

Về lợi ích của việc ghép đơn, Grab cho biết tính năng mới này không chỉ gia tăng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng mà còn giúp tăng cơ hội thu nhập, giảm thời gian chờ cho đối tác tài xế và giúp tăng doanh thu ròng cho các đối tác nhà hàng đang tham gia nền tảng GrabFood.

Trước đó vào đầu tháng 8/2019, Grab cũng đã bắt đầu triển khai thử nghiệm tính năng ghép đơn hàng áp dụng đối với tài xế GrabFood.

Trên thực tế, không phải lúc nào một chính sách sau khi ban hành cũng vận hành suôn sẻ. Tối 16/4, một người tự xưng là tài xế NowFood đã đăng tải một bài viết trên hội nhóm lên tiếng về chính sách ghép đơn (hay gán đơn) của Now.

Theo đó, vị này cho rằng chính sách mới của đơn vị (đơn ghép ưu tiên) bắt ép các tài xế nhận đơn ghép, nếu không sẽ trừ hiệu suất và mất thưởng ngày. Nếu đi ghép sẽ chỉ nhận ít tiền và chờ đợi rất lâu vì lấy đồ hai quán, cách nhau 1-2km, quán làm lâu làm nhanh, bất kể thời tiết.

Đồng thời, người này kêu gọi cộng đồng tẩy chay NowFood vì không tôn trọng đối tác (là các tài xế) và khách hàng. Bài viết nhận được nhiều sự quan tâm và chia sẻ từ người dùng internet. Trước đó, nhiều bài viết lẻ tẻ trên nhóm cộng đồng cũng từng nhắc đến chính sách ghép đơn gây khó cho tài xế của Now.

Một vị tài xế của NowFood kêu gọi tẩy chay Now vì chính sách ghép đơn ngặt nghèo, gây khó khăn cho đối tác tài xế. (Ảnh: Chụp màn hình).

Đây không phải là lần đầu tiên Now bị tố về chính sách mới ngặt nghèo và không tôn trọng đối tác, khách hàng. Giữa tháng 8 năm ngoái, Now đã chứng kiến các tài xế công nghệ tụ tập trước trụ sở để phản đối chính sách tích luỹ điểm thưởng của hãng.

Việc đạt được điểm thưởng ngày là điều rất quan trọng đối với các tài xế. Ví dụ, một tài xế Now cấp 5, chạy trong ngày đạt mức điểm trong vùng 140-180 sẽ nhận 120.000 đồng. Tài xế sẽ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Trong khi đó, với một tài xế cấp 4 hoặc tài xế cấp 5 nhưng đạt mức điểm trong ngày thấp hơn sẽ nhận thưởng ít hơn.

Theo phản ánh của vị tài xế NowFood kể trên, đơn vị giao đồ ăn thu 15.000 đồng cho mỗi đơn dưới 3km, hai đơn là 30.000 đồng (chưa kể phụ phí).

Nhưng, tài xế này cho biết Now chỉ trả cho họ 19.000 - 21.000 đồng mỗi đơn ghép (có khi khoảng cách ghép lên đến 3-5km), phần còn lại là của Now từ 9.000 - 11.000 đồng. Chúng tôi đã liên hệ với NowFood để làm rõ hơn thông tin này, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.

Tại sao các tài xế phản đối chính sách ghép đơn? - Ảnh 3.

Phản hồi của NowFood về việc ghép đơn và điều chỉnh hiệu suất dịch vụ, được một số tài xế đăng tải trong hội nhóm ngày 17/4. (Ảnh: FB T.T).

Trên trang cộng đồng, một số tài xế đã đăng tải thông tin phản hồi từ Now cho biết đơn vị này đã xảy ra lỗi hệ thống dẫn đến hiệu suất dịch vụ của tài xế hiển thị trên ứng dụng chưa chính xác.

"Ngay khi phát hiện lỗi, Now đã nhanh chóng khắc phục và hệ thống đã hoạt động bình thường", thông báo của Now hôm 17/4 cho biết, đồng thời gửi lời xin lỗi vì trải nghiệm chưa tốt mà đối tác tài xế gặp phải.

Trước sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và mua hàng online, các đơn vị giao hàng nổi lên, xuất hiện trên thị trường ngày một đông đúc.

Đơn cử như NowFood (trước kia là Deliverynow do Foody.vn điều hành) gia nhập thị trường năm 2016 sau đó về tay ông lớn Sea Corp (Singapore). Tiếp đó lần lượt là các hãng ngoại như GrabFood của Grab và GoFood của Gojek ra mắt thị trường Việt Nam năm 2018, Baemin năm 2019.

Tường Vy

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.