|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

e27: Nhiều phụ nữ Việt làm tài xế công nghệ, nền kinh tế thời vụ có thể thay đổi trong dài hạn

11:13 | 18/03/2021
Chia sẻ
Không ít phụ nữ Việt trên dưới 60 tuổi vẫn đang trở thành tài xế công nghệ.

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến kinh tế và thị trường lao động Việt Nam. Với lệnh giãn cách xã hội, thị trường lao động Việt Nam có thời điểm đứng yên và thậm chí lao dốc.

Theo một báo cáo của Tổng cục thống kê, 31,8 triệu người Việt Nam trên 15 tuổi chịu tác động tiêu cực từ COVID-19 dưới các hình thức như thất nghiệp, giờ làm việc không ổn định và thu nhập giảm.

Nhiều phụ nữ Việt làm tài xế công nghệ để vượt khó khăn COVID-19 mang lại - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều phụ nữ Việt là tài xế cho các ứng dụng giao hàng theo nhu cầu. (Ảnh: e27)

Dù vậy, trong quý III, thị trường việc làm của quốc gia hình chữ S đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là sự gia tăng của nhóm người lao động gig economy. Nền kinh tế Gig (nền kinh tế ngắn hạn) là nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian. 

Nền kinh tế gig đã tồn tại trong nhiều năm trở lại đây. Dù vậy, COVID-19 khiến tầm quan trọng của nó nâng cao hơn bao giờ hết. Trong đó, giao đồ ăn là một trong những mảng tạo ra nhiều việc làm nhất.

Khi mọi người được yêu cầu hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, giao hàng trực tuyến trở thành "phao cứu sinh" cho nhiều người để có thể mua nhu yếu phẩm hàng ngày.

Theo e27, khi COVID-19 bùng phát, nhiều người đang tìm đến các công việc giao đồ ăn để tìm kiếm nguồn thu nhập thêm, hoặc thậm chí nguồn thu nhập chính, trong giai đoạn này. Điều đáng ngạc nhiên là không ít phụ nữ cũng trở thành một phần của đội ngũ nhân viên giao hàng.

Nhiều phụ nữ Việt tham gia mảng giao đồ ăn

Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế mới đây cho biết hầu hết các quốc gia ASEAN đều ghi nhận số giờ làm việc đối với phụ nữ giảm mạnh hơn so với đàn ông vì COVID-19 và Việt Nam không phải một ngoại lệ.

Đại dịch kéo dài cũng cản trở việc phụ nữ có con có thể quay trở lại thị trường việc làm. Tất cả những xu hướng này giải thích vì sao ngày càng có nhiều phụ nữ chọn công việc như giao đồ ăn trực tuyến để bù đắp cho những khoản thu nhập bị ảnh hưởng do COVID-19.

Một người phát ngôn tại startup giao hàng Loship cho biết số người tài xế nữ đăng ký nền tảng đã tăng hơn gấp đôi trong một năm trở lại đây.

"Chúng tôi ghi nhận lượng tài xế đăng ký Loship tăng mạnh với một tỷ lệ lớn là phụ nữ có công việc bị ảnh hưởng vì đại dịch", ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO của Loship nói với e27.

Thực tế, xu hướng trên không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn là một xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu. Amazon, công ty thương mại điện tử Ấn Độ Flipkart hay Swiggy đều đang ngày càng tích cực tuyển dụng phụ nữ.

Ở DoorDash, một startup giao đồ ăn Mỹ, số lượng tài xế nữ chiếm tỷ trọng lên tới 55%. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy tiềm năng của phụ nữ ở mảng vốn được xem là nơi đàn ông thống trị. Bên cạnh đó, nó cũng thể hiện cách các công ty công nghệ đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ.

Bà Võ Thi Thanh Sương là một tài xế nữ giao đồ ăn ở Việt Nam. Bà đã tham gia đội ngũ giao hàng của Loship trong gần một năm, tức là bắt đầu từ thời điểm COVID-19 xuất hiện. Mặc dù không còn trẻ, bà vẫn thường xuyên nhận các chuyến giao hàng có khoảng cách trên dưới 30 km.

"Tôi 60 tuổi nhưng vẫn có thể lái xe. Bạn không bao giờ quá già yếu để cố gắng và làm việc. Miễn là bạn có xe máy và bạn có động lực, vẫn có những cách để bạn có thêm thu nhập", bà chia sẻ.

Mỗi ngày, trung bình bà Sương giao 20 đơn hàng từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối. Bà có vẻ rất yêu công việc của mình.

"Tôi thích sự tự do mà linh hoạt của các công việc kiểu này. Nó cho phép tôi tập trung vào gia đình mỗi ngày và chỉ nhận việc khi nào có thời gian phù hợp", bà nói thêm.

Một ngừi phụ nữ khác cũng gặp khó khăn khi dịch COVID-19 ập đến và đã trở thành tài xế công nghệ là chị Mai Châu Pha (30 tuổi, TP HCM). Sau khi đầu tư hết vốn vào tiệm bánh và buộc phải đóng cửa, chị Pha trở thành một tài xế của Gojek.

"Đội ngũ đối tác Gojek có nhiều chị em phụ nữ, từ các nữ tài xế chạy xe GoRide và giao hàng GoSend, tới các chủ các quán ăn, cơ sở kinh doanh ăn uống tham gia sử dụng dịch vụ giao hàng trực tiếp GoFood", ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc cộng đồng đối tác tài xế Gojek Việt Nam chia sẻ.

Khi ngày càng nhiều phụ nữ tham gia các dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn, xu hướng này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế gig trong dài hạn. e27 dự đoán xu hướng vẫn sẽ duy trì trong tương lai gần bởi thị trường việc làm vẫn cần thời gian để trở lại bình thường và nhiều công việc truyền thống sẽ không sớm quay trở lại.

Thái Sơn

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.