|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chính quyền ông Biden loay hoay giữa lúc giá dầu hướng đến mốc 100 USD/thùng

09:59 | 05/10/2021
Chia sẻ
Khả năng giá dầu tiếp tục chu kỳ tăng và nhảy vọt lên 100 USD/thùng là rất lớn. Câu hỏi đặt ra là chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch gì để giải quyết vấn đề này?

Cơn bão giá hoàn hảo

Khá nhiều nhà phân tích đang dự đoán rằng giá dầu thô có thể đạt ngưỡng 100 USD/thùng vào cuối năm nay do một loạt trục trặc nguồn cung trong mùa thu, chẳng hạn như việc cơn bão Ida đổ bộ vào Mỹ hay Iran không thể bơm thêm dầu ra thị trường như đồn đoán trước đó.

Trong khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang dần phục hồi về mức trước bão Ida, triển vọng về nguồn cung bổ sung từ Iran lại khá mờ nhạt. Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Tehran đang bị đình trệ và tình trạng này có thể kéo dài hơn nếu Tổng thống iran Ebrahim Raisi tiếp tục đường lối cứng rắn.

Nếu vậy, các lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran sẽ tiếp tục ngăn cản đất nước Trung Đông bổ sung khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày vào thị trường, theo Forbes.

Ở diễn biến khác, liên minh OPEC+ đang hân hoan khi giá dầu tăng cao và không cho thấy ý định sẽ tăng sản lượng vượt mức 400.000 thùng/ngày. Tại cuộc họp chính sách hôm 4/10, quyết định của OPEC+ đã phản ánh đúng dự đoán của giới chuyên gia.

Chính quyền ông Biden loay hoay giữa lúc giá dầu hướng đến mốc 100 USD/thùng - Ảnh 1.

Một yếu tố khác có thể thúc đẩy đà tăng của dầu thô là xu hướng giá khí đốt tự nhiên và khí đốt hóa lỏng (LNG) tăng cao ngất ngưởng tại châu Âu và châu Á. Điều này sẽ buộc một số nhà máy điện ở hai châu lục phải chuyển từ khí đốt sang dầu thô để phát điện trong mùa đông tới.

Theo công ty tư vấn Rystad Energy, nhu cầu trên có thể đạt tới 1 triệu thùng/ngày. Đối với các nhà máy điện có khả năng chuyển đổi nhiên liệu, họ sẽ không muốn mua LNG với giá tương đương 150 USD/thùng dầu trong khi các sản phẩm dầu mỏ lại rẻ hơn, hiện dao động quanh mức 80 USD/thùng.

Trong khi đó, nhu cầu dầu thô của thế giới đang tiến sát về mức trước đại dịch nhanh hơn ước tính của nhiều chuyên gia. Biến chủng Delta, mối đe dọa hàng đầu với nhu cầu, đã bắt đầu lắng dịu ở các khu vực tiêu thụ dầu thô lớn.

Châu Âu hiện không áp dụng lệnh phong tỏa mới, hoạt động đi lại tại Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ và Mỹ dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài từ tháng 11 tới.

Chính quyền ông Biden loay hoay giữa lúc giá dầu hướng đến mốc 100 USD/thùng - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Các yếu tố trên sẽ kích thích nhu cầu dầu thô, và giá dầu trong những quý tới cũng sẽ tăng theo, trừ khi có phản ứng tương xứng từ phía nguồn cung. OPEC+ đang nắm giữ khoảng 6 triệu thùng/ngày công suất dự phòng (không tính Iran), nhưng nếu liên minh này không bơm thêm dầu thì giá chỉ có thể lên cao hơn.

Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent có thể đạt 90 USD/thùng vào cuối năm nay, trong khi Bank of America cho rằng giá dầu có thể leo lên mốc 100 USD/thùng. Cần lưu ý rằng giá dầu Brent đã tăng lên khoảng 80 USD/thùng dù nhu cầu dầu thô toàn cầu vẫn thấp hơn khoảng 4 triệu thùng/ngày so với mức trước đại dịch.

Chính quyền ông Biden loay hoay

Sản lượng dầu thô của Mỹ hiện vẫn thấp hơn mức đỉnh trước đó (13,1 triệu thùng/ngày) gần 2 triệu thùng/ngày. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán sản lượng sẽ duy trì ở mức gần 11,3 triệu thùng/ngày cho đến hết năm 2021, trước khi bật tăng lên 11,7 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

Theo dự báo của EIA, mức bổ sung sản lượng nêu trên là khá lớn, nhưng các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có thể làm được nhiều hơn thế. Chính quyền ông Biden có thể cải thiện tình hình đầu tư trong lĩnh vực dầu mỏ Mỹ bằng cách hạn chế tấn công vào ngành này.

Từ trước khi ông Biden nhậm chức, những lo ngại xoay quanh vấn đề môi trường của các nhà đầu tư đã cản trở ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ phát triển. Tuy nhiên, xu hướng này càng trở nên rõ nét bởi các chính sách của vị tổng thống mới.

Một số động thái của chính quyền ông Biden có thể kể đến như quyết định hủy bỏ đường ống dẫn dầu khí Keystone XL, dự định ngừng cho các doanh nghiệp dầu khí thuê đất liên bang hay tăng thuế đối với các nhà khai thác,…

Giờ đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden và Phố Wall đang lo ngại rằng quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo quá chậm đang đặt một quả tạ lên ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.

Chính phủ Mỹ đang chật vật giữa tham vọng dài hạn về khí hậu với nhu cầu ngắn hạn của nền kinh tế, Forbes nhấn mạnh. Nhu cầu dầu thô sẽ tiếp tục tăng ít nhất là đến năm 2030, ngay cả khi thế giới tích cực thực hiện các chính sách môi trường xanh. Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ diễn ra trong nhiều thập kỷ chứ không phải vài năm. Washington không thể bỏ qua sự thật này.

Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ cần đáp ứng nhu cầu chung của thế giới, trừ khi Mỹ muốn giao toàn quyền kiểm soát thị trường cho OPEC. Gần đây, ông Biden đã kêu gọi các nước thành viên OPEC bơm thêm dầu ra thị trường, dù chính ông có quyền kiểm soát tại nước sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới là Mỹ.

Khả Nhân

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.