|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính phủ yêu cầu theo dõi chặt diễn biến của thị trường tiền tệ

14:39 | 09/12/2017
Chia sẻ
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, chủ động có các giải pháp điều hành phù hợp, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Trong tháng cuối năm 2017, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung nỗ lực cao nhất, đề cao vai trò người đứng đầu, tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm; phấn đấu đạt toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2017.

chinh phu yeu cau theo doi chat dien bien cua thi truong tien te
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tại Nghị quyết số 131/NQ-CP, Chính phủ đã phân công cụ thể các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo dõi chặt diễn biến thị trường tiền tệ

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, chủ động có các giải pháp điều hành phù hợp, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017, bảo đảm thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017; rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công (đã ký kết và thực hiện) sử dụng nguồn vốn vay kém ưu đãi như OCR của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay IBRD của Ngân hàng Thế giới (WB), đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp tìm kiếm nguồn vốn vay phù hợp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quyết liệt triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo đúng lộ trình đã phê duyệt; đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, nhất là ở một số doanh nghiệp lớn, bảo đảm minh bạch, theo cơ chế thị trường, chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Giảm biến động giá, kích cầu

Bộ Tài chính thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính-ngân sách; tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng và các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, có giải pháp phù hợp giảm thiểu biến động về giá cả, thị trường; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm.

Bộ Công Thương chủ động nắm bắt thông tin về điều chỉnh chính sách nhập khẩu của các nước đối tác để có phản ứng chính sách kịp thời; theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, kịp thời có giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng dịp cuối năm và Tết nguyên đán Mậu Tuất năm 2018; bảo đảm cung ứng đủ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng bị thiên tai, bão lũ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ để sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất của Nhân dân, không để người dân bị đói, không có chỗ ở; tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa triệt để tình trạng khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái phép; chủ động giải pháp phòng, chống cháy rừng, nhất là vào mùa khô; quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn ngừa tình trạng xâm phạm lãnh hải nước ngoài trái phép đánh bắt hải sản.

Báo cáo tổng thể về các dự án BOT

Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng thể về các dự án BOT, đặc biệt là dự án BOT Cai Lậy, Tiền Giang; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả Quỹ bảo trì đường bộ trong tháng 12/2017.

Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung thực hiện các giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ, trong đó chú trọng xúc tiến chuyển giao, ứng dụng công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước từ các nước tiên tiến trên thế giới.

Xử lý nghiêm hành vi bạo hành trẻ em

Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đề xuất cơ chế, chính sách về xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong khu công nghiệp, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể và nhà đầu tư; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 1 năm 2018.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương thực hiện tốt Phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa; khuyến khích, vận động Nhân dân tham gia, hưởng ứng xây dựng con người Việt Nam có lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh, tôn vinh, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, cao thượng, nhân văn; đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống cháy nổ; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018; cần bám sát ba nội dung định hướng trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2018; tập trung đánh giá thực trạng, phân tích kỹ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, thách thức thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách để có giải pháp khắc phục...

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.