|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ trình Quốc hội Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với 19 chính sách đặc thù

11:36 | 13/11/2024
Chia sẻ
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.

Sáng 13/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km. 

Về quy mô đầu tư, Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Về công nghệ, đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác đường sắt tốc độ cao.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội)

Tại Tờ trình, Chính phủ đề xuất 19 chính sách đặc thù cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam liên quan đến các vấn đề như: Nguồn vốn cho dự án, khai thác quỹ đất, công nghệ, nguồn nhân lực...

Bộ trưởng nêu rõ, năm 2010, ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được đưa ra nhưng Quốc hội chưa thông qua do còn ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế thời điểm đó thấp (GDP là 147 tỷ USD), nợ công ở mức cao (56,6% GDP).

Nhưng nay, nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp - khoảng 37% GDP. Vì thế, theo Chính phủ, nếu dự kiến triển khai dự án vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD, nguồn lực đầu tư lúc này không còn là trở ngại lớn.

Cần tính toán nhu cầu vận tải của dự án

Thẩm tra nội dung này, cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, dự án cơ bản phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Tuy vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao  với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác và với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội) 

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của Dự án, Ủy ban Kinh tế cũng yêu cầu cần làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của Dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.

Dẫn báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước, doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang dự báo cáo, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, ông Thanh đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của Dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến đường sắt tốc độ cao .

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam. Do đó, Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành là cần thiết. 

"Về cơ bản các cơ chế, chính sách đề xuất là cần thiết, trong đó một số cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép thời gian qua, tuy nhiên đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các cơ chế, chính sách để đảm bảo phù hợp và hiệu quả", ông Thanh nêu rõ. 

Chính phủ đề xuất 19 chính sách đặc thù cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, chia thành các nhóm sau:

1.       Chính sách về cơ cấu nguồn vốn cho dự án.

2.       Chính sách về bố trí vốn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để bố trí vốn cho dự án.

3.       Chính sách về việc thẩm định khả năng cân đối vốn của dự án.

4.       Chính sách về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao.

5.       Chính sách về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.

6.       Chính sách về bãi đổ chất thải rắn xây dựng.

7.       Chính sách về phát triển khoa học, công nghệ và tuyển dụng nguồn nhân lực cho dự án.

8.       Chính sách về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ.

9.       Chính sách về phân chia dự án thành phần.

10.   Chính sách về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.

11.   Chính sách về lựa chọn phương án kiến trúc nhà ga thuộc dự án.

12.   Chính sách về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng.

13.   Chính sách về lập thiết kế kỹ thuật tổng thể thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

14.   Chính sách về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng.

15.   Chính sách về định mức, khoản mục chi phí.

16.   Chính sách  về bố trí vốn cho dự án.

17.   Chính sách về cơ chế, chính sách bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

18.   Chính sách về ban hành nghị quyết chứa quy phạm pháp luật để hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của dự án.

19.   Chính sách về bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án. 

Ngọc Bảo

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.