Huy động trái phiếu để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam: nguồn từ trong dân?
Là dự án đầu tư công có quy mô lớn chưa từng có lên tới gần 70 tỷ USD, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang đặt ra những câu hỏi về nguồn lực để đầu tư dự án. Theo đó, nếu dự án này được hoàn thành theo lộ trình mà Ban Chấp hành Trung ương thông qua vào năm 2035 thì thời gian giải ngân của khoảng 12 năm.
Như vậy, bình quân mỗi năm cần 5,6 tỷ USD để phục vụ dự án này, tương đương khoảng 1% GDP và dự kiến khởi công vào năm 2027.
Huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ
Bàn về các nguồn lực vốn huy động cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam tại toạ đàm: "Đường sắt tốc độ cao: Thời cơ và Thách thức" diễn ra chiều 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết một trong những nguồn lực được huy động để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam là trái phiếu Chính phủ.
Theo ông, thời gian qua các bộ, ngành thời gian qua đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể và bốn phương pháp huy động nguồn lực để chuẩn bị tài chính cho dự án này.
Trong 4 phương án huy động nguồn lực, đầu tiên là nguồn lực từ đầu tư công. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho ba giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực để đảm bảo đầy đủ các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách.
Đáng chú ý, nguồn lực thứ hai được tính đến là việc phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp, với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án.
Bên cạnh đó, hai nguồn lực còn lại được nêu ra để chuẩn bị tài chính cho dự án này bao gồm: Nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức hợp tác công tư và nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc.
Đề xuất huy động vốn cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng được một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất trước đó.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để thu hút nguồn vốn trong nhân dân để làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ cần phát hành trái phiếu với mức lãi suất hấp dẫn.
"Thu hút nguồn vốn trong dân nếu là Chính phủ đứng ra huy động sẽ nhận được sự tin tưởng lớn nhất. Nhưng lãi suất để huy động cần phải mang tính hấp dẫn", ông Thân nói và cho biết các công trình hạ tầng giao thông đang rất cần vốn.
Có rất nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn sắp được triển khai xây dựng như cao tốc Bắc - Nam hay đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Vì vậy, Nhà nước cần đứng ra huy động vốn từ người dân và giao cho các doanh nghiệp trong nước triển khai, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận định.
“Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình”, ông Thân nói.
Bên cạnh đó, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài để mua công nghệ, thuê chuyên gia...
Thực hiện điều này sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.
Xây dựng cơ chế đặc thù
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trong quá trình tham gia xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng như thẩm định báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình có hạng mục là đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù triển khai các hạng mục dự án, bảo đảm mục tiêu chất lượng, tiến độ và mức độ an toàn công trình này.
Cần thêm cơ chế mở sau này, trong quá trình triển khai nếu cần chính sách đặc thù thêm thuộc thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ, chúng ta có thể đề xuất để triển khai công trình nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất.
Diện lĩnh vực cơ chế đặc thù này rộng, không giới hạn, giành ưu tiên cao nhất thực hiện công trình này, không có gì lấn cấn, thuộc thẩm quyền cấp nào trình cấp đó, có phân tích hiệu quả cơ chế đặc thù đem lại.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu thì cho biết dự án này không thể thành công, triển khai đúng tiến độ, trơn tru nếu thiếu cơ chế chính sách đặc thù, nhưng cái này khó vì chưa có tiền lệ.
Việc ban đầu xác định 19 nhóm cơ chế chính sách hay bao nhiêu... vẫn còn là thách thức. Trong các nhóm cơ chế này, cần phải nghĩ các cơ chế linh hoạt. Trong quá trình triển khai, phát sinh vấn đề, nếu ta áp dụng quy trình tuần tự thì không đủ linh hoạt, nên cần cơ chế giải quyết nhanh các vấn đề.
"Tôi nghĩ, có lẽ Chính phủ nên thử thêm xem ngoài các nhóm đã trình, đã 'điểm mặt đặt tên', liệu có cơ chế nào linh hoạt hơn, trao thẩm quyền mạnh hơn, xử lý ngay các vấn đề phát sinh, bảo đảm tính hiệu quả trong việc triển khai dự án quan trọng, chưa có tiền lệ, dù đây là việc khó", ông Hiếu nói.